Nếu trong 3 tháng đầu năm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, thì bước sang quý 2 đã thực sự tăng tốc. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công quý 2 ước đạt trên 140.400 tỷ đồng, bằng gần 20% kế hoạch cả năm và tăng tới gần 53% so với quý trước, còn so với cùng kỳ năm 2022 thì tăng gần 22%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giải ngân đầu tư công đạt 215.578 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công nói trên mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao. Đồng thời, trong triển khai, vẫn có sự không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Trong khi có 6 bộ và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch (trong đó nổi bật là Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tỷ lệ giải ngân lên tới 100%) thì vẫn còn tới 45 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Đáng lưu ý, trong tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch 100%. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến ngày 30-6, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ, giao kế hoạch đầu tư chi tiết gần 634.349 tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Không thể phủ nhận việc khối lượng đầu tư công thực hiện trong 6 tháng đầu năm, thể hiện nỗ lực lớn, là kết quả chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, nhưng việc giải ngân gần 70% kế hoạch còn lại trong 2 quý là không dễ dàng. Do đó, cần tiếp tục nhiều giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư công, tạo chuyển động thực sự, nhất là ở hơn 70 bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức bình quân cả nước như đã nêu trên.
Đầu tư công không phải là nhiệm vụ chỉ thực hiện trong năm nay, nhiệm kỳ này, mà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công và ở các lĩnh vực liên quan đến đầu tư như đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện. Trước mắt, giải pháp xây dựng một luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đầu tư, ngân sách là yêu cầu thực tiễn, cần được tiến hành ngay.
Cùng với đó, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, cần kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò tổ công tác đặc biệt thực hiện giải ngân đầu tư công, do chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng. Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật làm chậm trễ việc thực hiện các dự án đầu tư công - vốn được coi là một trong 3 trong động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở thời điểm này: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.