Giải ngân vốn "chương trình mục tiêu quốc gia" chậm có nguyên nhân từ cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Nói về giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) chỉ ra, mô hình bộ máy giúp việc không thống nhất, trong đó mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau. Số lượng văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện quá nhiều dẫn đến các địa phương lúng túng trong thực hiện. Ngoài ra, cán bộ thực hiện còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm...

Chiều 30-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu tại phiên họp ngày 30-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu tại phiên họp ngày 30-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Quốc hội Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) chỉ ra một số hạn chế, bất cập, khó khăn vướng mắc khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, ĐB chỉ ra, Ban Chỉ đạo của 3 chương trình này đã kiện toàn nhưng cơ chế vận hành chưa nhịp nhàng, thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, địa phương.

ĐB Vũ Xuân Hùng phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Vũ Xuân Hùng phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Về mô hình bộ máy giúp việc không thống nhất, trong đó mỗi địa phương mỗi kiểu khác nhau. Bên cạnh đó, số lượng văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện quá nhiều dẫn đến các địa phương lúng túng trong thực hiện. Ngoài ra, cán bộ thực hiện còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Về cơ chế phân cấp và trao quyền, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhìn nhận, thực tiễn và kết quả giám sát cho thấy còn nhiều mặt chưa hợp lý và chưa thực chất. Nhiều nội dung văn bản Trung ương phân cấp cho các địa phương hướng dẫn nhưng nội dung phân cấp chưa rõ thực hiện.

Những nội dung này thuộc về cơ chế và hành lang pháp lý, theo ĐB, lẽ ra Trung ương ban hành nhưng lại giao cho địa phương, việc này làm địa phương lúng túng và rất khó trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung ương lại ban hành việc giao vốn chi tiết đến từng tiểu dự án, từng lĩnh vực chi sự nghiệp mà không trao quyền cho địa phương được quyết định về nội dung điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án, chương trình.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) chỉ ra bộ máy cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia chưa đồng bộ ở các cấp. Bên cạnh đó, biên chế cán bộ làm công tác dân tộc hiện kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, thường xuyên thay đổi vị trí công tác…

Do đó, ĐB đề nghị cần thống nhất bộ máy tổ chức, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

ĐB Tráng A Dương phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tráng A Dương phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Nói về tình trạng chậm phân bổ vốn, ĐB Vũ Xuân Hùng cũng chỉ ra tình trạng phân bổ vốn không đúng đối tượng, việc giao vốn sự nghiệp còn bất cập. Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm, nhất là giải ngân vốn sự nghiệp.

Với những khó khăn cả về thể chế lẫn con người, ĐB cho rằng nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù thì khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn. Từ đó, ĐB kiến nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền cho địa phương và có cơ chế đặc thù để giải ngân vốn đầu tư nhanh hơn.

ĐB Nguyễn Thành Nam phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thành Nam phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) nhất trí cao với việc cần có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đề nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra và đạt mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đúng luật nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn

Về việc giao quy hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định của Luật Đầu tư ngân sách, tuy nhiên ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) nhận thấy, trong thực tế đây là một trong những điểm vướng mắc nhất, các địa phương thiếu tính chủ động trong việc lồng ghép nguồn vốn điều chỉnh dự toán linh hoạt, chưa thể sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Vì vậy, ĐB kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ngân sách năm 2024 Trung ương giao tổng thể kế hoạch vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia không giao dự toán quá chi tiết từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể.

Việc này theo ĐB là để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện, đảm bảo sử dụng nguồn lực có hiệu quả, giải ngân đúng kế hoạch và tiến độ hàng năm.

Tin cùng chuyên mục