Giải ngân nguồn vốn sự nghiệp chỉ đạt 1% kế hoạch

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, kết quả giải ngân của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021-2030) chưa được như mong muốn, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn tương đối thấp.

Ngày 22-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh báo cáo tờ trình về việc hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là chương trình).

b594b0b4baec1ab243fd.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp ngày 22-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Do vậy, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư chương trình liên quan đến một số nội dung, đối tượng tham gia thực hiện chương trình.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn đầu tư công giải ngân đến hết tháng 3 năm 2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của chương trình ước đạt được hơn 2.110 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch. Vốn sự nghiệp giải ngân thực hiện chương trình ước chỉ đạt được hơn 38 tỷ đồng, đạt 1% kế hoạch.

So với các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ giải ngân của chương trình đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, về tổng thể kết quả giải ngân của chương trình chưa được như mong muốn, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn tương đối thấp.

Trong đó, nguồn vốn thực hiện chương trình gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ, lồng ghép nguồn vốn thực hiện chương trình. Do vậy, Chính phủ đề xuất điều chỉnh xác định rõ nguồn vốn thực hiện chương trình.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, tổ chức này chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư chương trình (do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Điều này dẫn đến một số khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch bố trí vốn, thanh quyết toán trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

41e03bb412ecb2b2ebfd.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày tờ trình điều chỉnh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua đó, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án đã được Quốc hội quyết định, bố trí vốn cho các đối tượng với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.142 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội đồng ý về chủ trương và sự cần thiết đầu tư, hỗ trợ một số đối tượng thuộc chương trình ở giai đoạn 1 (2021-2025), có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo cáo thẩm tra tờ trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc kiến nghị với Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tin cùng chuyên mục