Giải ngân đầu tư công tại TP Thủ Đức: Phải xác định rõ tiến độ từng dự án

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận xét, dù TP Thủ Đức giải ngân 9/113 dự án đạt tỷ lệ trên 90% và 31/113 dự án đạt tỷ lệ 100%, song các dự án này có quy mô và tổng vốn chiếm tỷ trọng không lớn. Số dự án được giao có vốn lớn (trên 20 tỷ đồng), chiếm tới 91,7% các dự án trên địa bàn, đây là nhóm cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy để thực hiện đạt chỉ tiêu.

Ngày 6-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường và đại diện các sở, ngành TPHCM cùng dự.

Sau khi nghe lãnh đạo UBND TP Thủ Đức báo cáo về tình hình giải ngân đầu tư công trên địa bàn, đại diện các sở, ngành đã đóng góp ý kiến và gợi ý các giải pháp để đầu tư công trên địa bàn TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu đề ra.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh HOÀNG HÙNG

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh HOÀNG HÙNG

Thông tin thêm về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tại TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp kiến nghị TPHCM cho TP Thủ Đức lập đề án thực hiện sử dụng tài sản công theo tinh thần của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Qua đó, giúp TP Thủ Đức có điều kiện tạo ra nguồn lực để sử dụng tài sản công.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP Thủ Đức và các quận, huyện, sở, ngành phải quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên tinh thần đợt thi đua cao điểm 60 ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, nhất là đầu tư công. Đồng chí lưu ý, đợt thi đua này phải đảm bảo thực chất, trong đó tập trung rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ chính còn tồn đọng để tập trung triển khai và TP Thủ Đức phải là địa phương tiên phong thực hiện thi đua cao điểm.

Về đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét, dù TP Thủ Đức giải ngân 9/113 dự án đạt tỷ lệ trên 90% và 31/113 dự án đạt tỷ lệ 100%, song các dự án này có quy mô và tổng vốn chiếm tỷ trọng không lớn. Số dự án được giao có vốn lớn (trên 20 tỷ đồng), chiếm tới 91,7% các dự án trên địa bàn. Đồng chí cho rằng đây là nhóm cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy để thực hiện đạt chỉ tiêu.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh HOÀNG HÙNG

Trong đó, phải xác định được vướng mắc, khó khăn của từng dự án để có tiến độ và phân công cụ thể, đảm bảo tổng thời gian công việc đạt được. Đồng chí lưu ý, TP Thủ Đức nhanh chóng tổng hợp, đề xuất, cùng với Sở TN-MT tính toán các đầu việc, từ công tác khảo sát, đo đạc, xác minh pháp lý, lập phương án bồi thường. Qua đó, xác định việc có thể làm đồng thời, việc cần làm trước trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện nay, của Nghị quyết 98 và vận dụng kinh nghiệm mà TPHCM đã làm để đề xuất.

"Trong chi giải phóng mặt bằng, chúng ta thống nhất kế hoạch giải ngân nhưng mục tiêu cuối cùng là tiền phải đến với người dân, người dân nhận và đồng thuận giao mặt bằng. Chúng ta có mặt bằng để tiếp tục dự án, người dân tiếp tục sinh kế mới và sử dụng đồng tiền đó để đi vào các hoạt động – kinh tế xã hội. Chúng ta phải thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu trên chứ không chỉ tính đến số liệu từ kho bạc về tới Ban Bồi thường mà tiền chưa tới người dân”.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Song song với hình thành các cơ quan của TP Thủ Đức theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, tiếp tục củng cố kiện toàn bộ máy làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, phải đồng bộ trong quy trình nghiệp vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tổ chức tập huấn cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan phối hợp và cho cán bộ các phường.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu TP Thủ Đức và các sở, ngành TPHCM liên quan tập trung cao độ cho giải phóng mặt bằng để vừa giải ngân cho nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, vừa có mặt bằng để đẩy nhanh xây lắp và giải ngân cho xây lắp để công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn đã có trong danh mục chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư cho năm sau.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận buổi làm việc

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận buổi làm việc

Về chủ trương đầu tư và cơ cấu đầu tư, đồng chí đề nghị phải xác định rõ tiến độ của từng dự án, trên cơ sở Sở KH-ĐT hướng dẫn quy trình, song, TP Thủ Đức phải chủ động. “Không để tình trạng đầu năm thủng thẳng, cuối năm khẩn trương và lúc nào chúng ta cũng bị rượt đuổi về tỷ lệ giải ngân đầu tư công”, đồng chí nhấn mạnh.

Đồng thời lưu ý, trong cơ cấu đầu tư phải cân bằng giữa các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian mảng xanh. Trong 18 dự án đầu tư trên 20 tỷ đồng chỉ có 3 dự án là hạ tầng xã hội, đồng chí cho rằng, cơ cấu này là chưa hợp lý trong mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức là nơi đáng sống. Do đó, yêu cầu tập trung nhiều hơn nữa các dự án hạ tầng xã hội, các dự án phục vụ dân sinh cũng như mảng xanh, cảnh quan của thành phố…

Về đề xuất cho phép TP Thủ Đức lập đề án thực hiện sử dụng tài sản công, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải chỉ ra được cách thức, cơ chế cụ thể và xem đây không chỉ là việc thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội mà còn tạo ra nguồn lực để TP Thủ Đức có thể bứt phá.

Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tăng cường phối hợp và kịp thời tháo gỡ các khó khăn để TP Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ; đồng thời báo Thường trực UBND TPHCM để sớm tháo gỡ vướng mắc. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ phân công sở, ngành, cán bộ cụ thể làm đầu mối cho UBND TP Thủ Đức phối hợp, đồng thời nghiên cứu tăng cường nhân sự lãnh đạo cho TP Thủ Đức triển khai nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục