3 chương trình MTQG được thực hiện trong giai đoạn này gồm: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện.
Cụ thể, tổng số vốn đã giao đạt hơn 92.000 tỷ đồng đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, chiếm 92% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là trên 34.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022.
Đồng chí Phạm Bình Minh nêu rõ, việc thực hiện 3 chương trình MTQG còn chậm. Hiện còn 30 văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành đang chờ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, dự án thành phần của các chương trình (trước đó, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành phải hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương tình MTQG trong tháng 7).
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu UBND các tỉnh, thành nhanh chóng hoàn tất để trình HĐND sớm phê duyệt các nghị quyết liên quan đến việc thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có nghị quyết phân bổ vốn cho các chương trình MTQG (hiện vẫn còn trên 10 địa phương chưa phê duyệt nghị quyết này).
Phó Thủ tướng yêu cầu, đến ngày 15-8, các bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại để các địa phương có căn cứ triển khai giải ngân trên 34.000 tỷ đồng của 3 chương trình MTQG trong năm 2022. Các địa phương phải đặt quyết tâm giải ngân hết số vốn đã được phân bổ cho các chương trình trong năm nay, không để kéo dài nhiệm vụ giải ngân sang năm 2023.