Đề cập đến những ý kiến cho rằng Triều Tiên là một quốc gia nghèo khó, ông Leonid Petrov, học giả nghiên cứu về châu Á và Thái Bình Dương của Australia, cho rằng với địa hình núi non, Triều Tiên là quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú, từ than đá, vàng, bạc, uranium, quặng sắt và đất hiếm. Để tránh nền kinh tế sụp đổ và có nguồn ngân sách dành cho quốc phòng sau hàng loạt các lệnh trừng phạt, Triều Tiên đã xoay xở để lách các lệnh cấm vận, trong đó có việc xuất khẩu tài nguyên.
Xoay xở
Theo CNN, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên đến từ việc bán hàng triệu tấn than cho Trung Quốc mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 sản lượng hàng hóa xuất khẩu chính thức của Triều Tiên vào năm 2015. Nguồn thu này hiện đang gặp khó khăn khi từ tháng 2 năm nay, Trung Quốc thông báo sẽ ngừng tất cả các hoạt động nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm. Nhưng theo giới quan sát, khả năng Trung Quốc siết chặt việc giao thương với Triều Tiên là không cao, vì Bình Nhưỡng từ lâu đã là một đồng minh quan trọng của Bắc Kinh tại Đông Bắc Á. Mới đây, theo tờ Libération, hoạt động buôn bán của khu vực biên giới Trung - Triều vẫn diễn ra tấp nập. Ngày ngày, cửa khẩu thị trấn Hunchun với dân số hơn 200.000 dân vẫn đều đặn mở cửa hoạt động từ 14 - 17 giờ. Hàng đoàn xe từ Triều Tiên nối dài trên đường chờ nhập cảnh. Hunchun gần Bình Nhưỡng hơn Bắc Kinh. Buôn bán với Triều Tiên là nguồn sống chủ yếu của thị trấn đường biên. Tuy than đá bị cấm từ tháng 2, hàng hóa từ Triều Tiên vẫn tràn sang Trung Quốc, đặc biệt là hải sản hay các đồ gia công, bởi giá nhân công tại Triều Tiên rẻ hơn tại Trung Quốc khoảng 10 lần. Hiện vẫn có nhiều hoạt động kinh doanh ở biên giới của hai quốc gia láng giềng để giảm tác động xấu từ lệnh cấm buôn bán than lên nền kinh tế. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng xuất khẩu các mặt hàng cơ bản khác như quặng sắt, hải sản và quần áo sang Trung Quốc.
Nhờ tận dụng được việc xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là than đá cho Trung Quốc trong suốt thời kỳ hàng hóa toàn cầu tăng giá vào thập niên trước, Triều Tiên đã có nguồn quỹ khổng lồ thu được từ việc bán than cho Trung Quốc. Quỹ này hiện đang được giữ ở Trung Quốc, có thể dùng để mua bất cứ thứ gì họ muốn nhằm phục vụ cho các hoạt động về vũ khí của quốc gia. Bằng cách để tiền ở Trung Quốc, Triều Tiên có thể dễ dàng né tránh các lệnh trừng phạt bị loại ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Các cuộc điều tra của Liên hiệp quốc và Mỹ cũng đã tìm ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang sử dụng mạng lưới các công ty vỏ bọc để tiếp cận các ngân hàng toàn cầu.
Ngoài ra, nguồn lao động xuất khẩu đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Triều Tiên. Năm 2015, một báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết, Triều Tiên đã xuất khẩu hàng ngàn lao động ra nước ngoài để làm việc trong các ngành công nghiệp khai thác mỏ, khai thác gỗ, xây dựng ở Trung Quốc, Nga và vùng Trung Đông, Đông Nam Á. Khu công nghiệp chung Kaesong và điểm du lịch ở núi Kumgang cũng từng là nguồn thu đáng kể cho Triều Tiên nhưng hoạt động ở Kaesong đã bị ngưng trệ từ sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào năm ngoái.
Theo báo chí phương Tây, một số vụ tấn công mạng xuất phát từ Triều Tiên đã củng cố thêm những nghi ngờ cho rằng, hacker Bình Nhưỡng xâm nhập vào các tổ chức tài chính thế giới để kiếm ngoại tệ. Năm 2016, sau khi ngân hàng Trung ương Bangladesh bị tấn công, các nhà nghiên cứu của Kaspersky cho biết, nơi tổ chức vụ tấn công có địa chỉ ở Triều Tiên. Vụ việc Bangladesh cũng tương tự như những vụ tấn công mạng trước đó Costa Rica, Ba Lan và Nigeria.
Khu trượt tuyết Masik ở tỉnh Kangwon
Vai trò của tầng lớp trung lưu
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12-2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cởi mở hơn với sự phát triển của thị trường “chợ đen” và kinh tế tư nhân ở nước này. Động thái này, ngoài việc để cải thiện chất lượng cuộc sống trong nước, còn phát đi tín hiệu muốn tiếp cận nguồn vốn nước ngoài từ các quốc gia khác, tránh việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo tờ News, hiện nay Nga đang quan tâm đến thị trường Triều Tiên trong các lĩnh vực xuất khẩu năng lượng và khí đốt.
Theo ghi nhận của giới truyền thông quốc tế, thủ đô Bình Nhưỡng vẫn đang phát triển với những tòa nhà cao tầng mọc lên nhiều. Đặc biệt, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới gọi là Donju đã góp phần làm thay đổi thành phố rõ rệt. Donju điều hành các doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài hoặc có nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư vào Triều Tiên. Mặt khác, họ được kinh doanh mọi thứ có thể, giới này đang nổi lên nhờ nền kinh tế không chính thức đang phát triển mạnh. Nhiều Donju kinh doanh tiền tệ trong những thị trường không chính thức hoặc thiết lập các doanh nghiệp nhỏ. Có một số doanh nghiệp vận hành theo hình thức hợp tác công-tư, trong đó nhân viên doanh nghiệp nhà nước được phép lập công ty gần như tự chủ. Số tiền mà các Donju kiếm được lại lưu thông trong xã hội, thông qua các khu giải trí, mua sắm, các nhà hàng cao cấp ở Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trương thúc đẩy các kế hoạch xây dựng các khu vui chơi giải trí, công viên nước, sân trượt băng, khu nuôi cá heo, khu trượt tuyết. Xung quanh Bình Nhưỡng, sân bóng chuyền, sân tennis có rất đông người trẻ tuổi đến tham dự. Các tòa nhà chung cư cao tầng thi nhau mọc lên kéo dài từ khu dân cư Changjon gần quảng trường Kim Nhật Thành kéo dài đến con đường Mirae Scientists. Mới đây nhất, sự kiện khánh thành khu phố mới Ryomyong - nơi được mệnh danh là “ánh bình minh trong cuộc cách mạng Triều Tiên” được tổ chức rầm rộ với sự tham dự của khoảng 200 nhà báo quốc tế. Như nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn, con đường Ryomyong có những tòa nhà chọc trời lộng lẫy, một trong số đó là tòa nhà cao 70 tầng, với thiết kế thân thiện môi trường.