Tuy nhiên, trong lúc nhiều trường đang chạy đua để làm và đạt những chuẩn mực, tiêu chuẩn của quốc tế thì thực tế không ít lãnh đạo các trường đã chạy đua đổi tên gắn “mác” và tự cho mình là trường quốc tế, nhưng thực tế “quốc tế” đến đâu thì chẳng ai biết được.
Thực hư trường quốc tế Việt Nam
Cả nước hiện có đến cả chục trường, từ cao đẳng đến đại học với tên gọi rất oai là “trường đại học quốc tế”, “trường cao đẳng quốc tế”.... Riêng khu vực Đông Nam bộ, nhiều trường có tên “quốc tế” như: Đại học Quốc tế RMIT, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Quốc tế Miền Đông, Cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis, Cao đẳng Quốc tế Kent, Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Cao đẳng Quốc tế Việt Mỹ... Tuy nhiên, chuẩn hay đẳng cấp quốc tế vẫn chưa rõ ràng, vì chưa có trường nào lọt vào tốp những bảng xếp hạng uy tín của thế giới.
Trường Cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty TNHH Centena Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2003 (theo giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18-9-2003) và đến ngày 30-6-2015, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập trường. Trường này đào tạo hệ cao đẳng bằng tiếng Anh, do Học viện PSB Singapore và Hội đồng thi Quốc tế Trường Đại học Cambridge cấp bằng.
Từ năm 2003 đến nay, mang danh trường “Cao đẳng Quốc tế” nhưng các cơ sở đào tạo của trường vẫn phải đi thuê mướn, hết từ quận Tân Bình, quận 5, sang quận 1 và nay ở quận 7. Tương tự, Trường Cao đẳng Quốc tế Kent thuộc Công ty TNHH Quốc tế Kent, cũng được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập cùng ngày 30-6-2015 và có thời gian hoạt động là 25 năm, tính từ năm 2003, nhưng hiện vẫn thuê và mướn cơ sở vật chất, còn dự án xây trường chỉ nằm trên giấy.
Như vậy, tính đến nay hai trường này đã hoạt động tại Việt Nam 16 năm nhưng chưa có được miếng đất “cắm dùi” mà toàn đi thuê hết chỗ này đến chỗ khác. Trong khi đó, học phí thì thu cao ngất, chương trình đào tạo cũng chẳng phải là chương trình đạt đẳng cấp quốc tế hay thế giới gì cả...
Các trường như Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Cao đẳng Quốc tế TPHCM… tuy có danh xưng là quốc tế, nhưng đẳng cấp hoàn toàn Việt Nam và cơ sở dạy học vẫn còn đi thuê. Chương trình, đội ngũ giảng viên cũng thiếu và yếu. Số lượng giảng viên tại các trường đạt trình độ tiến sĩ rất ít và không thu hút được giảng viên có uy tín của nước ngoài về giảng dạy. Điều đáng nói là tại những trường quốc tế trên, số lượng công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới lại rất hiếm.
Quốc tế dựa trên tiêu chí nào?
Năm 2009, tư lệnh ngành giáo dục Việt Nam có tham vọng triển khai đề án xây dựng 4 trường đại học trình độ quốc tế, với vốn vay thực hiện khoảng 400 triệu USD. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2012 sẽ mời ít nhất 50% giảng viên quốc tế giảng dạy; đến năm 2016, thành lập các trung tâm xuất sắc đào tạo trình độ sau đại học với quy mô 4.000 sinh viên, thu hút 5% sinh viên quốc tế, mời 40% giảng viên quốc tế, 30% giảng viên có bằng tiến sĩ hoặc tương đương; đến năm 2020, 4 trường này lọt vào tốp 200 trường đại học tốt nhất trên thế giới…
Thế nhưng đến nay ý tưởng, mục tiêu lẫn tham vọng đó đã bị phá sản hoàn toàn. Duy chỉ có 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và TPHCM) lọt vào tốp 1.000 của thế giới và tốp 500 của châu Á. Mà 2 trường đại học này chẳng có chữ quốc tế nào cả. Ngay cả như Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế, bằng sáng chế Hoa Kỳ, cơ sở vật chất đạt 4 sao của quốc tế... nhưng họ cũng chẳng phải nhờ gắn hai chữ “quốc tế” mà có.
Nói về chữ “quốc tế”, GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Chúng ta chưa phân tích đâu là các tiêu chí cho một trường ở đẳng cấp quốc tế và bằng cách nào để biết được một trường nào đó đã đạt đến vị trí ấy. Một trường đại học đẳng cấp quốc tế khi có các yếu tố quan trọng như chất lượng xuất sắc trong việc đào tạo; nghiên cứu khoa học và phát triển, phổ biến tri thức; có những hoạt động nhằm đóng góp về văn hóa, khoa học và đời sống cho xã hội… Trong đó, chất lượng đào tạo phải hội đủ các yếu tố đồng bộ và đội ngũ giảng viên đòi hỏi phải có những giáo sư nổi tiếng, có những hoạt động hướng dẫn và giảng dạy chất lượng cao; cơ sở vật chất như phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện… đạt chuẩn và có những sinh viên năng động. Nói đến việc nghiên cứu, phát triển và phổ biến tri thức chính là trường học phải đẩy mạnh nghiên cứu, biến những ý tưởng thành hiện thực và áp dụng để phát triển kinh tế - xã hội. Những hoạt động đóng góp cho văn hóa, khoa học và cộng đồng có nhiều mặt, gồm các dịch vụ như xuất bản, hội thảo khoa học, hoạt động nghệ thuật… nhằm gắn kết và đóng góp cho cộng đồng, không chỉ trong nước mà lan rộng ra thế giới”.
"Cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về “danh xưng” trường quốc tế. Sở GD-ĐT địa phương cần có danh sách, cơ sở dữ liệu các “trường quốc tế” đã đăng ký với đầy đủ thông tin về nội dung chương trình, giáo viên, ngôn ngữ giảng dạy, kiểm định hoặc công nhận quốc tế. Đồng thời, cần yêu cầu các trường quốc tế phải minh bạch các thông tin này trên website của mình. Chỉ khi nào có sự minh bạch thông tin thì mới có được sự giám sát của toàn dân, lúc ấy mới có được sự phát triển lành mạnh đối với trường quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, việc luật hóa tên gọi các trường là cần thiết và cần có cả chế tài xử phạt" - GS ĐÀO TRỌNG THI, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Như vậy, muốn đạt đến trình độ trường đẳng cấp quốc tế phải có đầy đủ các yếu tố đồng bộ về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình… theo chuẩn quốc tế. Và để biết mình đang ở đâu thì không còn cách nào khác là phải tham gia các tổ chức kiểm định uy tín của quốc tế để biết mình thiếu cái gì, yếu cái gì và cải thiện ra sao. Khi đã có đầy đủ các điều kiện của một trường đại học đẳng cấp quốc tế thì chúng ta cứ tham gia các tổ chức xếp hạng uy tín của quốc tế hiện nay. Thực tế cho thấy, với những điều kiện hiện có, giáo dục đại học Việt Nam nên tập trung cho những mục tiêu cụ thể và hữu ích hơn là chạy đua để gắn mác “quốc tế” cho trường.
Bỏ trốn vì đào tạo chui - Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt (thực chất chỉ là trường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cấp chứng chỉ ngắn hạn) đào tạo công nghệ thông tin, kinh tế quốc tế song hành cùng tiếng Anh, thuộc Công ty cổ phần Quốc tế Mỹ Việt - AVIS (số 36, đường A4, khu K300, phường 12, quận Tân Bình), do ông Lê Công Đức làm giám đốc đã “chiêu dụ” được hàng trăm thí sinh ở các tỉnh. Năm học 2009 - 2010, đơn vị này đã gửi giấy báo trúng tuyển và kéo được gần 300 sinh viên theo học hệ cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin, kinh tế quốc tế (thời gian đào tạo 3 năm) với học phí 4.000 USD/năm. Sau khi báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc, thì những sai phạm của trường này mới bị phanh phui. - Trường Quốc tế Raffles TPHCM ở số 117 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, thực tế chỉ là Trung tâm Dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles (Việt Nam) và được Sở LĐTB-XH TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề sơ cấp (từ 12 tháng trở xuống) tại địa chỉ số 149C Trương Định, phường 9, quận 3. Tuy nhiên, đơn vị này tự xưng là Trường Quốc tế Raffles và tổ chức hội thảo, tư vấn tuyển sinh đào tạo hàng loạt ngành có trình độ cao đẳng, cử nhân... Sau khi Bộ GD-ĐT kiểm tra đã kiến nghị UBND TPHCM xử lý và yêu cầu ngưng đào tạo, hoàn trả học phí cho người học... - Trường Kinh doanh Melior (The Melior Business School), quận Phú Nhuận, tự xưng trường quốc tế rồi sau khi tuyển sinh chui, đào tạo hệ cao đẳng, đại học... chủ trường đã bỏ trốn và người học điêu đứng. |