Giải mã “trường quốc tế”: Chất lượng quyết định thương hiệu

Hiện nay, hệ thống các trường ngoài công lập đang tăng nhanh về số lượng và đa dạng về loại hình, giúp phụ huynh có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, dù hoạt động theo cơ chế dịch vụ nhưng nếu không được kiểm soát tốt về chất lượng sẽ tạo ra thị trường giáo dục “vàng thau lẫn lộn”, gây thiệt thòi cho học sinh.

“Quốc tế” không nằm ở tên gọi!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục quốc tế Nam Việt (đơn vị đầu tư Trường THCS-THPT Nam Việt), nói rằng chất lượng thật sự của một cơ sở giáo dục không quyết định ở danh xưng (tên gọi) mà thể hiện qua những biểu hiện cụ thể về cơ sở vật chất, chất lượng chuyên môn và đào tạo.

“Kinh nghiệm nhiều năm làm giáo dục của tôi cho thấy, phụ huynh ngày càng thận trọng và sáng suốt hơn trong việc chọn trường học cho con. Thông thường, các bậc cha mẹ sau khi nghe bạn bè, người thân hoặc cơ quan truyền thông giới thiệu về một cơ sở giáo dục nào đó, họ sẽ trực tiếp đến trường tham quan, tìm hiểu về cơ sở vật chất, chương trình và chuẩn đầu ra của học sinh. Nhiều trường hợp phụ huynh không chỉ đến một lần mà trở lại nhiều lần sau đó để cân nhắc, so sánh với các cơ sở giáo dục khác, trước khi đưa ra quyết định”, ông Đức Quốc cho biết.

Mặt khác, theo một đại diện Trường Tiểu học - THCS - THPT quốc tế Việt Úc, yêu cầu được phụ huynh hiện nay quan tâm nhiều nhất là chuẩn đầu ra của học sinh, đặc biệt là môn tiếng Anh. Vị này lý giải, tùy theo mục tiêu của gia đình muốn con đi du học hay học tập trong nước, phụ huynh sẽ lựa chọn giữa trường có chuẩn đầu ra là bằng cấp, chứng chỉ được công nhận quốc tế hay trường dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng có phương pháp, chất lượng giáo dục tiên tiến, hiện đại. Do đó, trường dù mang danh xưng quốc tế nhưng nếu không xác định mục tiêu hoạt động rõ ràng rất khó thu hút người học.

Giải mã “trường quốc tế”: Chất lượng quyết định thương hiệu ảnh 1 Trường VFIS Quốc tế Việt Nam - Phần Lan vừa khánh thành ngày 12-8-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngoài ra, theo TS Huỳnh Công Minh, Tổng hiệu trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng cố vấn chuyên môn Hệ thống Trường song ngữ quốc tế EMASI, ngoài việc tạo ra môi trường vật chất gồm phòng ốc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, giáo dục hiện đại còn đòi hỏi phải quan tâm, xây dựng môi trường sinh hoạt, giải trí tinh thần lành mạnh, hấp dẫn dành cho người học như thư viện thân thiện ngoài trời, khu vực trồng cây xanh, sân chơi tương tác…

“Giáo dục đang đổi mới theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Vì vậy, cơ sở vật chất hiện đại đến mấy, phương pháp giáo dục có tối ưu, nhưng nếu không điều chỉnh phù hợp nhu cầu người học sẽ rất khó thành công”, ông Minh phân tích.

Thêm vào đó, đối với công tác tuyển dụng và giữ chân đội ngũ, đại diện các hệ thống trường ngoài công lập đều cho biết, ngoài việc xây dựng hệ thống lương, thưởng cạnh tranh, chất lượng môi trường sư phạm cũng đóng vai trò quan trọng.

Hiện nay, nhiều hệ thống trường tư thục đã bước đầu quan tâm nhu cầu của giáo viên như xây dựng thêm khu vực phòng nghỉ, phòng đọc sách cho các thầy, cô giáo. Đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, qua đó góp phần khẳng định thương hiệu, tạo lòng tin cho xã hội.

Cần cơ chế quản lý phù hợp

Bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết theo phản ánh từ phòng GD-ĐT 24 quận huyện, hiện nay công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở mầm non có yếu tố nước ngoài đang gặp khó do một số đơn vị thiếu hợp tác, không có người phiên dịch khi đoàn đến kiểm tra. Từ thực tế đó, các địa phương kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu ban hành thêm cơ sở pháp lý giúp công tác kiểm tra, giám sát trường có yếu tố nước ngoài được thuận lợi, chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của ExpatFinder (tổ chức chuyên cung cấp thông tin về công nghệ và dịch vụ hỗ trợ di chuyển ra nước ngoài), học phí trường quốc tế (trường được công nhận và kiểm định bởi các tổ chức quốc tế) ở Việt Nam đang đứng thứ 5 châu Á. Khảo sát được thực hiện vào tháng 7-2018, trên cơ sở thu thập thông tin từ 688 trường quốc tế tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả, học phí trung bình năm 2018 của các trường quốc tế tại Việt Nam là 17.941USD/năm (khoảng 420 triệu đồng/năm), xếp thứ 13 thế giới và đứng thứ 5 châu Á. Đáng nói, con số này tỷ lệ nghịch với đánh giá chung về chất lượng các trường quốc tế, trong đó có tỷ lệ học sinh Việt Nam chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn ở nước ngoài.

Vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã có trang thông tin điện tử công khai tên, địa chỉ 21 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố. Tới đây, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu, sở sẽ tiếp tục công khai chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đội ngũ giáo viên và học phí của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Đây là cơ sở giúp phụ huynh theo dõi, giám sát và kịp thời phản ảnh cho cơ quan quản lý khi hoạt động thực tế không đúng với thông tin được công bố.

Tuy nhiên về lâu dài, ngành giáo dục cần có thêm nhiều chính sách quản lý phù hợp tình hình thực tế, đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp giữa Sở GD-ĐT (quản lý về mặt chuyên môn) và UBND các quận huyện (chịu trách nhiệm về việc cấp giấy phép, giám sát hoạt động đối với các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn).

Hà Nội: Công bố rộng rãi các trường quốc tế

Sau vụ việc xảy ra ở Trường quốc tế Gateway, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho biết theo thống kê đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 11 trường quốc tế và tới đây sẽ công bố rộng rãi cho cha mẹ học sinh. Ngoài ra, nếu quyết định thành lập trường nào không có chữ “quốc tế” mà cứ đưa thêm từ này vào, mạo danh để thu hút học sinh, sở sẽ yêu cầu bãi bỏ để tránh gây hiểu nhầm cho phụ huynh.

Hiện địa bàn Hà Nội có các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập như Trường Liên hiệp quốc UNIS (giảng dạy theo Chương trình IB và có mức học phí khoảng 500 triệu đồng/năm), Trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của các đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga.

Bên cạnh đó, còn có các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… Ngoài ra, một số trường có vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như Trường Quốc tế Anh - Việt (BVIS), Trường chuẩn quốc tế BIS, Trường quốc tế Hà Nội (HIS).

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục