Chị Ngọc Mai, phụ huynh có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, giáo viên chủ nhiệm gửi video clip bài giảng các môn toán, tiếng Việt và tiếng Anh cho học sinh tự học tại nhà. Tuy nhiên, do bản tính con trai hiếu động, khó tập trung nên vợ chồng chị chọn cách xem clip bài giảng trước rồi dạy lại cho con. Một trường hợp khác, anh Quốc Khánh, phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8) cho biết, lớp con anh nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa, ba mẹ còn không có điện thoại di động thì lấy đâu ra tiền mua điện thoại, máy tính bảng, laptop cho con học trên internet. Hiểu được khó khăn đó, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, cho biết, đối với các trường hợp gia đình quá khó khăn, trường học đã tổ chức in ấn tài liệu, để sẵn ở phòng bảo vệ, phụ huynh có thể đến trường nhận về cho con tự học và luyện tập thêm ở nhà. Những trường hợp học sinh muốn tham gia tương tác, trao đổi với giáo viên có thể qua nhà bạn cùng lớp học chung hoặc báo cáo giáo viên để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Cô L.T.T.T., giáo viên đang dạy lớp 1, một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh cho biết, bản thân cô cũng có con nhỏ, phải sắp xếp việc gia đình vào trường dạy học online, đồng nghiệp trong tổ chuyên môn không phải ai cũng có thế mạnh về công nghệ. Tuy nhiên, vì quyền lợi của học sinh, các trường đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp dạy học theo nhu cầu của phụ huynh, phù hợp năng lực tiếp nhận của học sinh nên rất cần sự phối hợp, trao đổi thông tin, thậm chí đồng cam cộng khổ của phụ huynh.
Đại diện các phòng GD-ĐT đều cho biết, tỷ lệ học sinh tham gia học trên internet năm nay đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, do các trường đã có kinh nghiệm thực hiện, chủ động tổ chức nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, xung quanh ý kiến có nên dạy học trực tuyến đối với học sinh các khối 1, 2, 3, một cán bộ Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sở đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể các trường chủ động chọn hoặc phối hợp nhiều giải pháp dạy học qua internet như dạy trực tuyến, xây dựng video clip bài giảng đăng tải trên cổng thông tin điện tử của nhà trường, trao đổi và giải đáp thắc mắc cho học sinh thông qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber... Tùy điều kiện cụ thể, các trường có thể xây dựng, thiết kế hoạt động, hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, in sao trên giấy rồi gửi cho phụ huynh.
Trước băn khoăn của phụ huynh về việc học sinh không thể tham gia học trực tuyến hoặc học trên internet không hiệu quả, lãnh đạo các trường đều cho biết, giáo viên chủ nhiệm các lớp có trách nhiệm tổng hợp số liệu, ghi nhận những trường hợp học sinh không có máy tính hoặc điện thoại thông minh, không thể kết nối internet đề xuất tổ bộ môn có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Những trường hợp quá khó khăn, nhà trường sẽ lập danh sách để có kế hoạch bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học. Tuy nhiên, phụ huynh không nên phó thác toàn bộ việc học trong 2 tuần học sinh nghỉ học cho nhà trường, mà nên chủ động hướng dẫn, nhắc nhở con tự học và ôn tập kiến thức tại nhà. Tới đây, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dạy học qua internet sẽ ngày càng phổ biến. Vì vậy, bên cạnh kiến thức, học sinh cần được trang bị các kỹ năng học tập phù hợp như tra cứu thông tin, hệ thống kiến thức… để thích ứng với điều kiện học tập trong thời đại mới.