Theo dự thảo của EC, cột mốc này đạt được sau khi tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do đại dịch ở EU giảm dần nhờ khả năng miễn dịch của hơn 70% dân số châu Âu, trong đó phân nửa đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Dự thảo tuyên bố ghi: “Cần một cách tiếp cận để quản lý đại dịch trong những tháng tới, chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang tình trạng bền vững hơn”. Theo đó, mục tiêu của giai đoạn này không còn dựa trên xác định và báo cáo tất cả các ca mắc mà dựa trên việc thu thập dữ liệu đáng tin cậy về tốc độ lây truyền virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, về tác động của bệnh nặng và hiệu quả của vaccine.
Cho tới nay đã có 11 nước thành viên EU hoặc EEA (Khu vực kinh tế châu Âu gồm EU + 3 nước Iceland, Liechtenstein và Na Uy) đã gỡ bỏ mọi hạn chế quy định nhập cảnh với các nước bên ngoài EU. Người nước ngoài nhập cảnh vào 11 nước này đều không cần kết quả xét nghiệm Covid-19, chứng nhận đã tiêm ngừa vaccine hay từng mắc Covid-19. Dự báo danh sách này sẽ ngày càng dài thêm một khi EU chính thức thông qua dự thảo nói trên. Dự thảo của EC không có tính ràng buộc và đi kèm với những cảnh báo rằng “vẫn có khả năng xuất hiện các biến thể mới, sự cảnh giác và chuẩn bị luôn là điều cần thiết”. Dự thảo cũng nhấn mạnh, vaccine vẫn rất quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, khuyến nghị các nước EU xem xét các chiến lược để tăng cường tiêm chủng cho trẻ em trước năm học tới.
Thông thường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc đại dịch, một động thái có ý nghĩa pháp lý rộng rãi đối với nhiều ngành bao gồm bảo hiểm và các hãng dược phẩm. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa cho rằng đại dịch Covid-19 đã kết thúc. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 26-4 kêu gọi các quốc gia nên duy trì giám sát các trường hợp mắc Covid-19 và cho rằng thế giới vẫn “mù mờ” về cách thức lây lan của virus SARS-CoV-2 do tỷ lệ xét nghiệm giảm.