ICC, được thành lập vào năm 2002, có nhiệm vụ truy tố các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược. ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế với số thành viên gần đây nhất là 123 nước.
Cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt lên ICC từ tháng 6 năm ngoái. Theo đó, cho phép đóng băng những tài sản hoặc bất động sản trên đất Mỹ của mọi cá nhân từ ICC tham gia, hỗ trợ hoạt động điều tra hoặc truy tố binh lính Mỹ mà không được sự đồng thuận của Washington. Những người này cũng như người thân trong gia đình cũng bị cấm tới Mỹ. ICC chỉ trích đây là những “đòn tấn công” gây căng thẳng và là “một nỗ lực không thể chấp nhận được” nhằm can thiệp vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật và các quy trình xét xử của ICC. Tòa án có trụ sở tại Hà Lan này cho rằng, các lệnh trừng phạt “chưa từng có tiền lệ” làm suy yếu những nỗ lực đấu tranh nhằm buộc những bên gây tội ác chiến tranh phải chịu trách nhiệm. Không chỉ ICC phản đối, các lệnh trừng phạt nói trên cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Ngày 2-4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Trưởng công tố Bensouda vì cuộc điều tra của bà liên quan đến cáo buộc các lực lượng Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng đưa ông Phakiso Mochochoko - người đứng đầu Ban xét xử, hỗ trợ và hợp tác của ICC - ra khỏi danh sách các công dân bị chỉ định trừng phạt đặc biệt. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng, các quyết định này phản ánh đánh giá của Mỹ về những biện pháp được thực hiện trước đây không thích hợp và không hiệu quả.
Quyết định mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy, thay vì áp đặt các lệnh trừng phạt, sẽ tốt hơn nhiều nếu các vấn đề được giải quyết thông qua sự phối hợp của tất cả các bên. Nói như Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell: “Bước đi quan trọng này nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với hệ thống quốc tế dựa trên luật định”. ICC, tất nhiên, hoan nghênh quyết định trên của Mỹ, cho rằng điều này báo hiệu về một kỷ nguyên hợp tác mới với Washington, góp phần củng cố hoạt động của tòa án cũng như thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ.