Ngày 8-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn TPHCM), tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Vì sao vừa qua việc xây dựng đường cao tốc cho ĐBSCL tỷ lệ rất thấp so với vùng khác (100km cao tốc ở ĐBSCL; 2.000km cao tốc của khu vực phía Bắc), trong khi ĐBSCL là nơi xuất khẩu lúa gạo và nông nghiệp lớn nhất nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản trả lời về vấn đề này.
Theo đó, đến nay cả nước có 1.139km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898km, miền Trung 127km, khu vực Đông Nam Bộ 74km và khu vực ĐBSCL 40km. Hiện nay đã hoàn thành 80km đoạn từ Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. Như vậy, khu vực ĐBSCL có khoảng 120km đường cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ hình thành 5 trục cao tốc với tổng chiều dài 998km với lộ trình đầu tư đến năm 2020, sẽ hoàn thành khoảng 349km. Tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc vùng ĐBSCL còn chậm so với quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Nguyên nhân là do đặc điểm khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài; nguồn vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi, thu hút đầu tư theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn; thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn.
Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về nguyên tắc, việc lựa chọn dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phải căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, nguồn lực quốc gia, tính khả thi và khả năng huy động vốn đối với các dự án xã hội hóa.
Phó Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch một cách hợp lý; tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ; ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP để phấn đấu đầu tư thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như các tuyến cao tốc trục ngang khu vực ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình như sân bay, cảng biển..., thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đối với vùng ĐBSCL, ngoài việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cao tốc đang triển khai dở dang, Bộ đang đề xuất đầu tư mới giai đoạn phân kỳ của 7 dự án với chiều dài khoảng 774km, tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng. Bao gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.