Giải trình lại các băn khoăn của đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Đảng, Đoàn Quốc hội đã thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bảo đảm khách quan, thận trọng; rà soát, giới thiệu nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện có năng lực, trình độ để giới thiệu ứng cử, bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội.
Với một số nhân sự giữ chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương, để đảm bảo khách quan, thận trọng, Đảng, Đoàn Quốc hội đã có công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương để trao đổi về chủ trương giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQH chuyên trách và được Ban Tổ chức Trung ương nhất trí.
Tập thể Đảng đoàn Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kỹ từng trường hợp, nhất trí giới thiệu các nhân sự Phó Vụ trưởng và tương đương tham gia ứng cử ĐBQH chuyên trách, trong đó có một số đồng chí Vụ trưởng mà các đại biểu có ý kiến.
Cụ thể là, ứng cử viên Trịnh Xuân An, Phó Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ứng cử viên Cao Mạnh Linh, Phó Vụ trưởng Văn phòng Đảng, Đoàn Quốc hội, được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Tư pháp; ứng cử viên Lê Thanh Hoàn, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay đang tiếp tục làm thư ký cho Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, được giới thiệu ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ứng cử viên Nguyễn Thành Chung, hàm Phó Vụ trưởng vụ Tài chính ngân sách, được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ứng cử viên Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh - thiếu niên và nhi đồng, Văn phòng Quốc hội được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định, các trường hợp trên đều là các cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn sâu, nổi trội, có nhiều kinh nghiệm về xây dựng pháp luật cũng như công tác giám sát, đã tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng, có uy tín, triển vọng phát triển; đã được quy hoạch ĐBQH chuyên trách từ năm 2018, được các Ủy ban của Quốc hội giới thiệu với số phiếu tín nhiệm cao để làm ĐBQH chuyên trách tại các Ủy ban.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, 23 Vụ phó được quy hoạch vào các Ủy ban của Quốc hội nhưng chỉ chọn được 5 người ứng cử ĐBQH.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, lựa chọn rất kỹ, bỏ phiếu qua nhiều vòng. Xin các vị, các vụ tin tưởng vào sự lựa chọn của Ủy ban, của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban đã lựa chọn rất kỹ càng, bảo đảm tiêu chuẩn”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Về 2 trường hợp ứng cử ĐBQH chuyên trách mà nhiều ý kiến băn khoăn (là 2 anh em ruột: ông Lò Việt Phương - Vụ trưởng Vụ Dân nguyện và bà Lò Thị Việt Hà - Chánh văn phòng Đảng - đoàn thể, Văn phòng Quốc hội), bà Thanh cho biết đều là ĐBQH tái cử, đang là thành viên của các ủy ban, hội đồng dân tộc của Quốc hội, có năng lực hoạt động bảo đảm.
Cả hai đều là cán bộ người dân tộc thiểu số, đã có nhiều năm công tác tại các cơ quan nhà nước, có trình độ. Ông Lò Việt Phương là thạc sĩ, đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó có 14 năm công tác ở cơ sở địa bàn miền núi và 12 năm công tác ở cơ quan Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.
Bà Lò Thị Việt Hà được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Đây là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, có trình độ thạc sĩ, đã kinh qua 7 năm công tác ở địa phương và 14 năm công tác ở các cơ quan Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là công tác chuẩn bị về nhân sự ĐBQH, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Bầu cử và các văn bản có liên quan, bảo đảm công tâm, khách quan, đúng quy định.
Trên cơ sở thông báo Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban công tác đại biểu, các cơ quan hữu quan triển khai các bước chặt chẽ, đúng quy định, đúng hướng dẫn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, danh sách các ứng cử viên ĐBQH chuyên trách ở Trung ương đều có trong quy hoạch, được các cơ quan lựa chọn, giới thiệu qua các bước rất chặt chẽ, có sự tìm hiểu, đánh giá cả về hồ sơ và thực tế công tác; được giới thiệu với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao.
Các cơ quan hữu quan rà soát, giới thiệu nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, trình độ để giới thiệu ứng cử, bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội.
Đối với một số trường hợp theo hướng dẫn cần phải có sự trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đã cân nhắc, lựa chọn kỹ, thận trọng và trên cơ sở thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương mới giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát các ứng cử viên ứng cử ĐBQH một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bám sát tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định.
“Như vậy, có thể thấy rằng, danh sách mà Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị và giới thiệu đều là cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn sâu, nổi trội, nhiều kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, công tác giám sát, tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng; có uy tín, triển vọng phát triển; được các Ủy ban của Quốc hội giới thiệu với số phiếu tín nhiệm; được cơ quan nơi công tác và cử tri nơi cư trú giới thiệu tuyệt đối để tham gia ứng cử ĐBQH”, đồng chí Đỗ Bá Tỵ khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước tích cực tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc trao đổi, mạn đàm do MTTQ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức; đặc biệt là hăng hái đi bầu cử vào ngày 23-5 để thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của công dân, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: VIẾT CHUNG |