Theo đó, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Chính phủ, trong năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện các chỉ đạo, biện pháp cấp bách để ngăn chặn tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Tuy nhiên, tình hình này vẫn còn tiếp diễn.
Cụ thể, tháng 6-2018, 1 tàu cá Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, đó là trường hợp tàu cá QNg 95979 TS do ông Phạm Văn Hạnh (sinh 1971, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ phương tiện kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 37 lao động.
Ngày 9-5-2018, tàu cá QNg 95979 TS xuất bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Cần, đăng ký hành nghề câu mực ở vùng biển quần đảo Trường Sa, tàu cá QNg 95979 TS bị Brunei bắt giữ lúc 6 giờ ngày 27-5-2018 tại tọa độ 06°30’N-113°30’E, cách thành phố Vũng Tàu 443 hải lý, cách đảo An Bang của Việt Nam 90 hải lý, cách đảo Hoa Lao của Malaysia 56 hải lý, cách đảo JeRu Dong bờ biển bắc của Brunei 122 hải lý.
Tàu cá QNg 95979 TS hành nghề câu mực hoạt động tại vùng chồng lấn, giáp ranh, các thúng câu mực có thể bị trôi dạt vào khu vực có tọa độ nêu trên, nhiều khả năng khi tàu cá QNg 95979TS đi vớt các thúng câu thì bị lực lượng chức năng Brunei bắt giữ.
Đến ngày 11-6-2018, Tòa án Brunei đã mở phiên tòa xét xử thuyền trưởng và ngư dân QNg 95979TS và phán quyết tịch thu tàu, phạt tiền. Hiện nay, Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi đã thông báo cho gia đình ngư dân nộp tiền phạt và tiền mua vé máy bay cho ngư dân về nước.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Tịnh Kỳ và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, không có tàu cá vi phạm khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Trong buổi tuyên truyền, phía Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn, trình bày cụ thể các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, khu vực khai thác hải sản tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt, giải thích về tọa độ khu vực chồng lấn, giáp ranh để ngư dân nắm bắt khi hoạt động trên biển.
Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng phòng thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản, cho biết, trong năm 2018, Chi cục đã tổ chức 8 lớp tập huấn tuyên truyền cho ngư dân, nâng cao nhận thức về vùng biển của Việt Nam và Luật Thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên biển.
Trong hội nghị, Chi cục Thủy sản, Phòng Kinh tế cũng giải thích ngư dân về thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu ngư dân khi khai thác trên biển phải mở máy, gửi tin nhắn về trạm bờ, để được hỗ trợ khi cần thiết, vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời tàu cá có dấu hiệu khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Bên lề hội nghị, nhiều ngư dân xã Nghĩa Phú thắc mắc về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tàu vỏ thép, về chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá.
Ông Trần Đình Long, chuyên viên Phòng Kinh tế (UBND TP Quảng Ngãi) cho biết, về mức hỗ trợ, Nghị định nêu rõ, đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản dóng mới vỏ thép (bao gồm cả trang thiết bị mới), tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu. Đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Về hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu, hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu.
Ông Võ Văn Nguyên - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa Phú, thắc mắc: “Hiện nay, một số tàu giã cào (tàu lưới kéo) khai thác kém hiệu quả, nhiều ngư dân muốn bán để trả nợ nhưng gặp khó khăn trong đăng kiểm tàu cá thì giải quyết như thế nào”.
Về vấn đề này, ông Trần Đình Long cho biết: “Hiện tại, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có nhiều sứa, dẫn đến nghề giã cào khai thác không hiệu quả, trong khi giá dầu tăng cao, chi phí sản xuất lớn. Khó khăn nữa là về lao động, nhiều tàu không tìm được lao động hoặc khi tìm được lao động thì người ta lại nhảy tàu khác. Vì vậy, nhiều chủ tàu làm không hiệu quả, không có khả năng trả nợ nên muốn bán tàu hoặc trả lại ngân hàng”.
Theo ông Long, hiện nay, nghề giã cào đang dừng phát triển thêm, lại thêm khai thác không hiệu quả, chủ tàu muốn bán tàu trong tỉnh thì nhiều người không có khả năng mua lại. Mặc khác, nếu chủ tàu bán tàu cho các tỉnh bạn lân cận thì cũng rất khó do tỉnh bạn cũng có chủ trương không cho phát sinh mới, nên không chuyển được đăng kiểm từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vì lý do này, việc giải quyết đăng kiểm là rất khó.