Xóa “điểm đen”
Một trong những phương án nhanh chóng để giải quyết các “điểm đen” giao thông cũng như kéo giảm tình trạng kẹt xe trầm trọng trên QL51 hiện nay được Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) và 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đồng thuận là xây các nút giao thông khác mức. Mới đây, BVEC cùng 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi Trung ương đề nghị làm thêm 10 cầu vượt, hầm chui trên QL51 theo hình thức BOT với mục đích chính là xử lý dứt điểm các “điểm đen” về TNGT và đảm bảo lưu thông an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, tại nút giao giữa đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với QL51 cần xây dựng hầm chui qua ngã tư; tại nút giao với đường 25B vào huyện Nhơn Trạch cần xây hầm chui dọc theo QL51, và các điểm giao cắt khác trên QL51 cũng cần phải đầu tư xây dựng thành nút giao khác mức. Lãnh đạo 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức trên tuyến QL51 để giảm thiểu tình trạng ùn ứ, kẹt xe thường xuyên diễn ra trên tuyến đường này là cần thiết và đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ GTVT, Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư hay không đầu tư do Bộ GTVT quyết định, và còn liên quan đến nguồn vốn đầu tư khi tuyến quốc lộ này sắp hết thời gian thu phí.
Nhận thấy lưu lượng xe trên QL51 ngày càng đông, đầu tháng 4-2021 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn để mở rộng tuyến QL51 đoạn từ TP Bà Rịa về Ẹo Ông Từ (phường 12, TP Vũng Tàu) với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc. Một phương án khác cũng đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhằm giảm tải cho tuyến QL51 và nâng tầm giá trị của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là dự án cầu Phước An.
Cây cầu có giá trị gần 5.000 tỷ đồng nối từ thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sang huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và nối với tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây được kỳ vọng sẽ giải phóng lượng hàng hóa khổng lồ của Cái Mép - Thị Vải mà không gây áp lực cho QL51 đang oằn mình vì quá tải. Một công trình sắp được đưa vào sử dụng là đường 319 nối dài, từ Biên Hòa đi Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) không qua QL51 mà sử dụng cầu vượt trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 30-6-2021) cũng sẽ giảm bớt áp lực tăng cao của tuyến QL51. Nhưng đó cũng chưa phải là giải pháp đột phá.
Chờ đến bao giờ?
Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp QL51 được nghiệm thu đưa vào thu phí từ tháng 4-2013 với thời gian thu phí là 20 năm 6 tháng (tính từ ngày 1-7-2009, luôn phần tiếp quản dự án cũ). Do lưu lượng xe tăng mạnh nên thời gian thu phí của dự án sẽ được rút ngắn đến năm 2022. Trước đây, BVEC được lập ra với mục đích chính là làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo kế hoạch, đến năm 2018 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã phải đưa vào sử dụng để “chia lửa” cho QL51. Thế nhưng, cách đây 7 năm, Bộ GTVT đã có văn bản giao cho Ban Quản lý dự án 85 quản lý dự án đầu tư xây đường đường cao tốc và tiếp nhận lại toàn bộ tài liệu của dự án gồm hồ sơ pháp lý, kết quả khảo sát lập dự toán và tim mốc tuyến ngoài thực địa. Đến nay dự án vẫn đang nằm trên giấy, chưa biết đến khi nào sẽ khởi công!
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết, cùng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch, mang tầm chiến lược, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh của vùng Đông Nam bộ nói chung. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Trung ương nghiên cứu và xây dựng tuyến đường sắt Trảng Bom - Vũng Tàu để “gánh” bớt lưu lượng hàng hóa cho đường bộ, nhất là cho tuyến QL51.
Theo tính toán, hiện chi phí vận chuyển hàng hóa từ Cái Mép - Thị Vải đến các khu công nghiệp ở các tỉnh bằng đường bộ cao hơn cả triệu đồng mỗi container so với đường thủy nên nhiều doanh nghiệp không chọn phương án vận chuyển này. Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ GTVT, việc thu phí trên tuyến QL51 sẽ sớm kết thúc trong năm 2021. Như vậy trong thời gian tới, khả năng cao tuyến QL51 sẽ tiếp tục phải oằn mình chịu trận nếu doanh nghiệp chọn hình thức vận tải bằng đường bộ để tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, và tình trạng kẹt xe sẽ càng trầm trọng hơn.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, bên cạnh việc xây dựng cao tốc, để giải quyết bài toán giao thông trên QL51, về lâu dài cần phải có một tuyến đường sắt để giải phóng hàng hóa từ các cảng, khu công nghiệp gây áp lực lên hệ thống đường bộ như hiện nay. Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai trong tháng 3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm đó, hiện là Chủ tịch nước) đã rất quan tâm phát triển hệ thống giao thông của các tỉnh cũng như khu vực và giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT, các tỉnh nghiên cứu về tuyến đường sắt Trảng Bom - Phú Mỹ, triển khai tuyến đường Vành đai 4 kết nối với các tỉnh trong khu vực và đặc biệt ưu tiên triển khai tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia về giao thông), với tốc độ phát triển như thời gian qua, các vấn đề về kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông không thể được giải quyết triệt để nếu không có tuyến đường sắt xuyên Đông Nam bộ đưa hàng hóa từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước đến cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Trước đây người Pháp đã làm đường sắt từ Sài Gòn đến tận Lộc Ninh để vận chuyển hàng hóa, nhất là mủ cao su xuống cảng Sài Gòn để xuất khẩu thì nay rất cần thiết phải tái lập lại để tăng tính kết nối, tăng khả năng vận tải và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. |