Trong bối cảnh cả thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu và giảm rác thải thực phẩm, các chuyên gia hy vọng câu trả lời không phải là vứt bỏ vào thùng rác.
Tesco, tập đoàn bán lẻ hàng đầu ở Anh, cho biết mùa Halloween năm nay, hãng đã bán ra số lượng bí ngô kỷ lục. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường ở đảo quốc sương mù ước đoán khoảng 18.000 tấn bí ngô khắc những hình thù kinh dị có thể sẽ bị vứt tại các bãi chôn rác thải. Theo Tesco, ngày càng nhiều người tìm cách tận dụng những trái bí ngô và chế biến thành một món ăn để tránh lãng phí thực phẩm, thay vì đợi chúng thối rữa và vứt vào thùng rác. Nhưng nhìn chung, hầu hết số bí ngô trang trí Halloween đều bị vứt bỏ.
Ngoài bí ngô, một vấn đề khác được quan tâm là trang phục. Các tổ chức môi trường Fairyland Trust và Hubbub ước tính mỗi dịp Halloween ở Anh thải ra 7 triệu bộ trang phục và hơn 2.000 tấn rác nhựa. “Không có cách nào tốt để tái chế các bộ trang phục này vì phân tách các vật liệu này rất tốn kém”, Mark Hall, Giám đốc Truyền thông Công ty Xử lý rác thải BusinessWaste.co.uk, cho biết.
Vậy nếu có ý định tổ chức Halloween, làm thế nào để có những lễ hội thân thiện với môi trường hơn? Ross Findon, người phát ngôn của Quỹ Ellen MacArthur, tổ chức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cho rằng câu trả lời là thực hiện theo cách tự nhiên làm. “Trong tự nhiên không có rác. Khi bạn có một trái bí ngô, không có lý do gì để biến nó thành rác. Bất cứ cái gì bạn không muốn ăn, hãy mang đi ủ và nó sẽ trở thành thức ăn cho các hệ thống tự nhiên”, ông Findon nói.
Trong 5 năm qua, Hubbub đã tổ chức gần 240 chương trình giải cứu bí ngô (Pumpkin Rescue) mà ở đó mọi người có thể chia sẻ những công thức chế biến bí ngô sau khi sử dụng chúng như những món đồ trang trí. Tổ chức trên ước tính các chương trình này đã “cứu” được 17.500 quả bí ngô khỏi nguy cơ bị vứt bỏ ở bãi rác. Hubbub khuyến khích mọi người nấu và ăn những quả bí ngô trang trí Halloween và kể cả trong trường hợp bí ngô đã thối rữa vẫn có thể sử dụng để ủ phân bón.
Tuy nhiên, tái chế trang phục không dễ. Kết quả nghiên cứu của Fairyland Trust cho thấy 83% số vật liệu sử dụng trong 324 bộ trang phục Halloween làm từ nhựa, trong khi chưa đến 13% số vật liệu được làm từ vải tái chế và 1% số trang phục được tái sử dụng. Do đó, các chuyên gia đề xuất mọi người sáng tạo trang phục Halloween từ những bộ quần áo đã qua sử dụng, thay vì mua mới hoặc có thuê trang phục. Để những bộ quần áo cũ có một cuộc sống mới là cách để cắt giảm các loại khí thải làm biến đổi khí hậu.
“Trước khi bạn mua một món đồ, bạn hãy nghĩ đến việc nó sẽ được xử lý ra sao hoặc sẽ được tái sử dụng thế nào? Bạn có thể mang nó đến đâu để tái chế? Món đồ đó có thể quyên góp cho từ thiện được không? Nếu không, nó sẽ lại bị chôn vùi trong một bãi rác và ở đó trong nhiều năm”, ông Findon chia sẻ.