Huy động vốn quốc tế
Thời gian qua, nhiều ngân hàng và DN đã giải cơn “khát” vốn bằng cách huy động nguồn vốn lớn từ nước ngoài. Cụ thể, VPBank vừa ký kết thành công thỏa thuận vay vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn của nước ngoài là ADB, Tập đoàn Tài chính SMBC, JICA, ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities. SeABank cũng ký kết với Tập đoàn DFC của Mỹ về khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm…
Không chỉ ngân hàng mà các DN cũng gọi vốn từ nước ngoài như Công ty CP Kinh doanh F88 vừa huy động thành công khoản vay 60 triệu USD từ nước ngoài. Công ty CP Tập đoàn Masan và Công ty The Sherpa (công ty con trực thuộc Masan) cũng vừa nhận được khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD. Công ty Chứng khoán Bản Việt vừa ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng) với nhóm các ngân hàng nước ngoài.
Để huy động được vốn trên thị trường quốc tế, ngoài đủ uy tín và đủ năng lực tài chính, ngân hàng, DN còn phải vượt qua sự thẩm định gắt gao của các tổ chức tài chính quốc tế về mặt chiến lược kinh doanh, tài chính công khai minh bạch, có phương án sử dụng vốn khả thi. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết, đơn vị đã phải xây dựng kế hoạch cho vay rất cụ thể, hướng tới các nhóm khách hàng ưu tiên. “Các nguồn vốn này sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy những chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng là DN nhỏ và vừa, DN do phụ nữ làm chủ và DN trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội”, ông Vinh cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, việc huy động được nguồn vốn nước ngoài giúp ngân hàng và DN tiếp tục thúc đẩy được hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho năm tới. Việc này không những giúp ngân hàng, DN có được nguồn vốn mà còn nâng chất hoạt động, đổi mới căn cơ việc quản trị.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, hiện lãi suất vay vốn quốc tế không còn rẻ khi lãi suất ở nhiều quốc gia tăng cao, nhất là trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh như hiện nay, DN vay sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá. Do đó, một sự cẩn trọng trong huy động nguồn vốn quốc tế là rất cần thiết với không chỉ DN mà còn cả ngân hàng.
Cân nhắc nới hạn mức lĩnh vực ưu tiên
Dù có thể huy động được nguồn vốn nước ngoài, nhưng hiện hạn mức (room) tín dụng được NHNN phân bổ cho các tổ chức tín dụng không còn nhiều đã gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng và cả DN. Cùng với đó, trong bối cảnh huy động vốn qua kênh trái phiếu gặp khó, nhiều ý kiến đề xuất NHNN nên nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để họ có thêm dư địa cho DN vay.
Theo NHNN, đến ngày 25-10, tín dụng đã tăng trưởng 11,5% so với cuối năm 2021. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14%, thì dư địa còn lại trong hơn 2 tháng cuối năm còn khoảng 2,5%, tương đương quy mô 261.000 tỷ đồng. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh, trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng tăng mạnh, nhất là đối với DN, thì NHNN có thể rà soát lại mục tiêu tăng trưởng, nới thêm room tín dụng cho những ngân hàng có năng lực và hệ số an toàn vốn cao; đồng thời hướng nguồn vốn tín dụng được nới thêm vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này rất quan trọng bởi sẽ giúp các DN mua nguyên liệu sản xuất, tích trữ hàng hóa, phục vụ cho thị trường tết.
Trên thực tế, dù room tín dụng vẫn còn khoảng 2,5% chưa giải ngân hết nhưng nhiều ngân hàng lại đang kẹt vốn. Các ngân hàng này có tỷ lệ cho vay/huy động vốn đã mút khung, thậm chí vượt quy định. Báo cáo mới đây liên quan đến room tín dụng, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, NHNN sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng để kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho DN.
Việc bổ sung thêm room tín dụng cũng chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, dư địa để các NHTM cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có nhưng vấn đề là các tiêu chí cho việc giải ngân, cho vay có được nới ra hay không. Bên cạnh đó, hạn mức được phân bổ về các NHTM với tỷ lệ như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn cho NHNN. Vì, nếu nới room cho các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì trên thực tế, các ngân hàng này không gặp nhiều vấn đề về thanh khoản. Chênh lệch huy động vốn và cho vay chưa cải thiện nên việc nới room tín dụng sẽ phù hợp hơn để gia hạn cho khoản vay cũ thay vì dành cho các khoản vay mới.
Tại Diễn đàn kinh tế 2023 mới đây, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng thì NHTM cũng không đủ vốn để cho vay thêm.
Theo ông Hùng, hiện các ngân hàng đang rất khó khăn trong đảm bảo hệ số an toàn vốn, bởi tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của DN thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Để có thể hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho DN. Cùng đó, NHNN điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN, tạo đà phục hồi nền kinh tế.