Giải bài toán xe quá tải cuối năm

Như quy luật bất thành văn, những tháng cuối năm, áp lực giao thông trên địa bàn TPHCM thường tăng mạnh, dễ dẫn đến tình trạng bùng phát nạn chở hàng quá tải.

Bức bối khu vực cửa ngõ

Ngày 21-11, các thanh tra viên của Đội 5 Thanh tra Giao thông vận tải (TTGTVT) thuộc Thanh tra Sở GTVT phát hiện xe tải 51E-201.63 chở hàng quá tải trọng đang chạy trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9. Biên bản xử lý vi phạm được lập với mức phạt 36 triệu đồng.

Sáng 19-11, trên đường Phước Thiện, phường Long Bình, quận 9, Đội 5 TTGTVT phát hiện và lập biên bản xử lý xe tải 60C-560.84 do đã chở hàng quá tải. Xe tải này còn vi phạm lỗi đi vào đường cấm. Mức phạt theo quy định trong trường hợp này là 47 triệu đồng.

Trong 11 tháng đầu năm nay, gần 8.000 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa đã được TTGTVT phát hiện, lập biên bản xử lý. Riêng Đội 5 TTGTVT, đơn vị thay mặt Sở GTVT quản lý chuyên môn khu vực cửa ngõ phía Đông, đã xử phạt gần 1.000 trường hợp trong số này, trong đó khoảng 400 trường hợp là vi phạm xe quá tải với số tiền phạt là hơn 6,8 tỷ đồng. Không phải ngẫu nhiên mà khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố là điểm nóng về xe quá tải. Đơn giản do đặc thù và tính chất trọng điểm của cụm các quận 2, quận 9 và Thủ Đức ở cửa ngõ này. Khu vực cửa ngõ phía Đông tiếp giáp các tỉnh lận cận như Bình Dương, Đồng Nai vốn có lưu lượng phương tiện giao thông lớn trên các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ 1, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Khu Công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2…

Nói cách khác, cửa ngõ phía Đông thành phố có đặc thù tập trung hàng loạt luồng tuyến tỏa xe khách bằng ô tô đi các địa phương miền Trung và phía Bắc, nghiễm nhiên thường xuyên trở thành điểm nóng về trật tự an toàn giao thông, nhất là trong các dịp lễ tết và cuối năm.

Khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố còn là nơi có nhiều bến cảng, kho bãi hàng hóa mà chỉ nhắc tên thôi cũng đủ để biết mức độ bức bối giao thương đi lại ở đó: cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng ICD Sotrans, Khu công nghiệp Cát Lái… Những địa chỉ này thường xuyên có lưu lượng phương tiện vận tải hàng hóa, nhất là loại phương tiện xe đầu kéo container ra vào các kho bãi, cổng cảng để thông thương hàng hóa là rất lớn. Các chuyên gia ước tính lúc cao điểm, tại cảng Cát Lái, tính bình quân có đến 20.000 - 22.000 lượt phương tiện ra vào cảng.

Giải bài toán xe quá tải cuối năm ảnh 1 Cân tải trọng xe trên đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: CAO THĂNG

Nhìn chung, các hành vi vi phạm bị lực lượng TTGTVT xử phạt trong thời gian qua, nhiều nhất là các lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, trong đó, hơn một nửa là vi phạm chở hàng quá tải trọng quy định của cầu, đường bộ. Ngoài lỗi vi phạm tải trọng, các lỗi liên quan đến chủ xe cũng không phải ít. Đó là những lỗi vi phạm khác không liên quan đến quá tải, như các lỗi: vỏ xe không đảm bảo an toàn giao thông; xe không mang theo hợp đồng vận chuyển; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái xe tải theo quy định…

Ngăn chặn từ nguồn

Chánh Thanh tra Sở GTVT Trần Quốc Khánh cho biết, TTGTVT sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe, nhất là tập trung kiểm tra tải trọng ngay các cảng, kho, bến bãi. Việc tăng cường và siết chặt kiểm soát, kiểm tra tải trọng xe tải các loại là một biện pháp để bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ. Một khi đường sá được bảo vệ tốt hơn, chất lượng giao thông cũng sẽ tốt hơn, có thể góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trên thực tế, vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ có 2 yếu tố chi phối mạnh đến hiệu quả tác nghiệp của lực lượng chuyên trách. Đó là cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các lực lượng chức năng, gồm TTGTVT, cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong. Tiếp theo là việc kiểm soát, ngăn ngừa từ gốc các hành vi vi phạm tải trọng.

Trong công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, phần việc của cảnh sát giao thông là dừng phương tiện, TTGTVT đảm trách kiểm tra giấy tờ của phương tiện và cân xe, còn thanh niên xung phong làm công việc hướng dẫn phương tiện ra vào trạm cân. Một khi phát hiện phương tiện có vi phạm, thông thường TTGTVT sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ngoại trừ những lỗi hỗn hợp sẽ do cảnh sát giao thông ra biên bản xử phạt.

Trong khi đó, với mục tiêu ngăn chặn việc chất hàng quá tải từ nguồn, Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức ký cam kết với hàng chục đơn vị đầu mối hàng hóa lớn là doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, bến, kho hàng lớn trên toàn địa bàn thành phố về kiểm soát tải trọng tại các đầu mối hàng hóa. Sau đó, tiếp tục ký cam kết với các bến thủy nội địa với cùng nội dung tương tự. Các bên ký kết cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội 5 TTGTVT, cho biết, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý lái xe, chủ xe vi phạm chở hàng quá tải, Đội 5 TTGTVT cũng phối hợp với lực lượng Cảng vụ Hàng hải thành phố vào tận các kho, bãi để kiểm tra và vận động các chủ kho bãi cam kết không chứa hoặc bốc xếp hàng hóa cho các xe đầu kéo chở quá tải từ các kho, bãi bên ngoài cảng Cát Lái như khu vực đường nội bộ Khu công nghiệp Cát Lái, đường Lê Phụng Hiểu, đường Nguyễn Thị Định, quận 2…

Sở GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14-4-2016 của UBND TPHCM về tăng cường thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố.

Tại điểm nóng khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thông qua phối hợp liên ngành cũng như qua công tác kiểm tra độc lập theo thẩm quyền, TTGTVT đã phát hiện và xử lý gần 1.000 vụ vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực cảng. Xử phạt bằng tiền là hơn 2 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe trong 2 tháng đối với hơn 100 trường hợp.

Ngay từ cách đây hơn 3 năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM đã giao lực lượng TTGTVT tổ chức phối hợp cùng cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong triển khai nhiều biện pháp thực hiện khá đồng bộ.

Tổ chức trạm lưu động để kiểm tra tải trọng xe

Ngoài các trạm cố định, hiện nay lực lượng TTGTVT còn tổ chức trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động TC 017. Theo ông Lê Văn Thường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, việc tổ chức trạm kiểm tra tải trọng lưu động này giúp thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp để phát hiện, xử lý vi phạm về tải trọng của phương tiện, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trạm cân lưu động được đặt trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường thường có phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông. Hiện nay, các vị trí được chọn đặt trạm cân lưu động là trên tuyến tỉnh lộ 8 thuộc xã An Hội, huyện Củ Chi; tuyến đường Võ Chí Công, quận 2 (đoạn trước khu vực cầu Bà Cua, hướng từ vòng xoay Phú Hữu, quận 9 về vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2); và trên tuyến đường Trần Văn Giàu, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (đoạn từ giao lộ Võ Trần Chí đến giao lộ Nguyễn Văn Cự theo hướng lưu thông từ TPHCM đi Long An).

Đối tượng nhắm đến của trạm cân xe lưu động này là các xe tải, ô tô đầu kéo rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc, xe chở container, ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng của cầu, đường bộ, bao gồm cả xe bồn chở khí hóa lỏng, xăng dầu, xi măng rời, xe gắn biển số quân đội nhưng không làm nhiệm vụ quân sự…

Đối tượng cũng là ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép vận chuyển đặc biệt, bao gồm cả xe chuyên dùng tự hành siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành hoặc có giấy phép nhưng thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép.

HUY KHÁNH

Tin cùng chuyên mục