Theo đó, để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng yêu cầu: các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1-6-2022.
Như vậy, một lần nữa vấn đề triển khai thu phí ETC đối với ô tô lại được Chính phủ “nhắc nhở”, bởi đến nay có chưa đến 50% trong tổng số khoảng 4,5 triệu ô tô đang lưu hành ở Việt Nam được dán các loại thẻ ETC, một con số quá thấp, sau 6 năm dịch vụ này được triển khai ở Việt Nam.
Vào tháng 7-2016, Bộ GTVT ký kết hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC để chính thức triển khai dịch vụ thu phí ETC đường bộ trên toàn quốc. Theo đó, toàn bộ việc lắp đặt thiết bị thu phí ETC hiện nay được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao cho Liên doanh Công ty CP Tasco và Công ty VETC thực hiện.
Cùng thời điểm đó, Tập đoàn Viettel đã thử nghiệm thành công việc triển khai công nghệ thu phí ETC và muốn tham gia triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, doanh nghiệp có công nghệ và hạ tầng cũng như nguồn lực lớn nhất nhì Việt Nam này lại bị “từ chối”. Cứ thế, “một mình một chợ”, Công ty VETC triển khai với tốc độ “rùa bò”, khiến Chính phủ nhiều lần đốc thúc, nhắc nhở, còn hệ lụy thì vẫn ùn tắc giao thông, thiếu minh bạch trong việc thu phí ở các BOT đường bộ. Phải đến cuối năm 2020, dưới sức ép của Chính phủ, Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC, thành viên Tập đoàn Viettel) mới được tham gia triển khai dịch vụ thu phí ETC với tên gọi ePass. Sau 11 tháng triển khai, lượng phương tiện dán thẻ thu phí ePass đạt con số 1 triệu, ngang bằng với con số của toàn bộ thị trường Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước đó do Công ty VETC thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí ETC tại Việt Nam đã tăng từ 25% lên gần 50% vào cuối năm 2021.
Chưa bàn chuyện kết nối giữa hệ thống của Công ty VETC và ePass có một số thời điểm, một số nơi có “trục trặc” với nhiều lý do khác nhau, đến nay cơ bản đã được giải quyết; rõ ràng có thêm 1 nhà cung cấp dịch vụ, vấn đề mở rộng dịch vụ thu phí ETC đã có những bước tiến rất tích cực. Vậy tại sao sau 5 năm, dù được ưu ái nhưng Công ty VETC chỉ làm được đúng bằng ePass làm trong chưa đầy... 1 năm? Có nhiều lý do giải thích, nhưng chắc chắn Công ty VETC không thể có hạ tầng, công nghệ và nguồn lực như Viettel. Cho nên, vấn đề đặt ra là liệu ở đây có điều gì không minh bạch khiến một dịch vụ văn minh, tiện ích như thu phí không dừng lại chậm được triển khai rộng rãi, nhất là khi nhiều chủ đầu tư BOT đường bộ tiếp tục có động thái trì hoãn việc này?
Thu phí ETC không phải là dịch vụ quá mới, bởi thế giới đã triển khai từ lâu. Nhưng để triển khai tốt thu phí ETC, ngoài nguồn lực tài chính, còn cần đến công nghệ và hạ tầng kết nối đủ mạnh, đồng bộ mới nhanh phát triển được. Điều mà những tập đoàn như Viettel, VNPT, FPT… hiện nay luôn sẵn sàng. Vì vậy, sau ePass của Viettel, đã đến lúc Bộ GTVT và Công ty VETC cần xem xét, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có khả năng cùng tham gia cung cấp dịch vụ thu phí ETC, càng sớm càng tốt. Có như vậy, thời hạn từ ngày 1-6-2022 không dùng hình thức thu phí thủ công trên các BOT đường bộ may ra mới thực hiện được.