Các dự án đường cao tốc Đông, Tây Nam bộ

Giải bài toán thiếu mặt bằng và vật liệu san lấp

Hiện nhiều dự án đường cao tốc đang được triển khai tại khu vực Đông, Tây Nam bộ với kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng thi công hoặc thiếu nguồn đất, cát san lấp nên tiến độ một số dự án vẫn chậm.

Bên rõ hình hài, nơi ngổn ngang

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đưa dự án vào khai thác trong tháng 12-2025 thì tại Đồng Nai, tiến độ thi công các hạng mục rất chậm do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Phần dự án đi qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) dài hơn 6km, nhưng ngành chức năng chỉ mới phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 585/1.500 hộ dân. UBND tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư tại phường Phước Tân và phường Tam Phước để phục vụ công tác tái định cư.

w5c.jpg
Thảm nhựa dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: NÔNG NGÂN

Xuôi về hướng huyện Long Thành, nơi có gói thầu số 21 trị giá hơn 1.400 tỷ đồng, đoạn từ Km6+200 đến Km16+000 thuộc tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do liên danh Công ty CP Lizen, Công ty CP Hải Đăng, Công ty CP Xây lắp 368 và Tổng Công ty Xây dựng số 1 thi công xây dựng, thời gian thực hiện hợp đồng là 915 ngày. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 80% mặt bằng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua huyện Long Thành có 2 gói thầu đang triển khai thi công. Trong đó, gói thầu xây lắp số 18 chậm khoảng 8 tháng, mặt bằng thi công ngoài thực địa chỉ khoảng 7,0/59,5ha (đạt khoảng 12%), còn gói thầu xây lắp số 21 chậm khoảng 4 tháng, mặt bằng thi công khoảng 25/78,1ha (đạt khoảng 32%) ngoài thực địa. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thiếu vật liệu xây dựng, đất đắp.

Theo ông Nguyễn Công Danh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, hiện trên toàn tuyến 19,5km của dự án thành phần 3, liên danh 3 nhà thầu đồng loạt triển khai hơn 15 mũi thi công (với khoảng 225 thiết bị và 415 nhân sự)... Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu thông xe kỹ thuật tuyến đường trước ngày 30-4-2025, hoàn thành dự án vào tháng 9-2025 và đưa vào sử dụng trong tháng 12-2025. Để đúng mốc thời gian, đơn vị sẽ kiểm soát hàng tuần và có biện pháp tăng cường bù tiến độ một số hạng mục bị chậm.

Cuối tháng 12, thông xe tuyến Bến Lức - Long Thành

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý Dự án đường cao tốc phía Nam (SEPMU, đơn vị đầu tư) đã bàn giao cột mốc và hồ sơ pháp lý liên quan để cơ quan chức năng huyện Long Thành đo đạc, trích lục bản đồ phục vụ giải phóng mặt bằng đối với 500m còn lại của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), hơn 7km tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai, đoạn từ nút giao đường vào cảng Phước An ra tới quốc lộ 51 (đoạn giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dự kiến được thông xe, khai thác tạm vào cuối tháng 12. Các phương tiện đi từ TPHCM về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể qua phà Cát Lái vào các tuyến nội tỉnh Đồng Nai đến nút giao đường vào cảng Phước An, sau đó lên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi ra quốc lộ 51...

Nguồn cung đất, cát còn chậm

Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án giao thông đường cao tốc trọng điểm. Đến nay, 3/4 dự án đang tổ chức thi công, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99%-100% (riêng Dự án tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dự kiến khởi công đầu năm 2025). Trong đó, dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và dự án thành phần 1 tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp) nằm trong kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km trong năm 2025 của Chính phủ. Dự án tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào sử dụng năm 2027. Dự án thành phần 2 tuyến Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) hoàn thành năm 2027.

W1b.jpg
Thi công Dự án thành phần 4, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: TUẤN QUANG

Ghi nhận tại dự án thành phần 4 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, do tình hình thiếu cát đắp nền khiến tổng trị giá thực hiện các gói thầu chỉ đạt 1.171/8.054 tỷ đồng (14,5% trị giá hợp đồng, chậm 9% so với kế hoạch). Lý giải việc thiếu cát, tỉnh Sóc Trăng cho biết, do các mỏ ở cuối nguồn sông Hậu nên cát lẫn nhiều bùn và tạp chất, cát hạt mịn, phải tuyển rửa mới sử dụng được. Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp, phải đánh giá kỹ các tác động của việc khai thác cát nhằm hạn chế sạt lở và không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Về vật liệu đá, Bộ GTVT cho biết, tổng nhu cầu trữ lượng cho các dự án là khoảng 5,19 triệu m3. Tuy nhiên, do mỏ Antraco (An Giang) đã hết hạn, buộc phải ngừng khai thác, trong khi đó thủ tục cấp phép tiếp theo mất nhiều khoảng 12 tháng nên không kịp cung ứng vật liệu cho các dự án. Việc sử dụng đá từ các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có cự ly vận chuyển xa kéo theo giá thành cao. Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có nguồn cấp phối đá dăm đáp ứng được trữ lượng, công suất nhưng do thời điểm cuối năm phải cung cấp đồng thời cho nhiều dự án nên khả năng cung cấp bị hạn chế.

Tại buổi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá: Mặc dù nguồn cát đắp nền cung ứng cho 4 cao tốc trong vùng là khoảng 56,75 triệu m3 trên tổng nhu cầu 54,45 triệu m3 nhưng hiện công suất khai thác, cung ứng cát cho các dự án vẫn không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu.

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết thêm: Một số mỏ cát sông trên địa bàn tỉnh khi đưa vào khai thác cho thấy chất lượng không đảm bảo, nhiều mỏ có tỷ lệ bùn chiếm đến hơn 60%. Ngoài ra, hoạt động khai thác cát sông hiện gặp phản ứng quyết liệt từ người dân, có trường hợp gây thương tích đến mức phải khởi tố. Ngoài việc phải cung ứng 5 triệu m3 cát cho đường cao tốc, thì tỉnh cũng đang cần hơn 6 triệu m3 cát. Do tình hình nguồn cát khan hiếm, buộc tỉnh phải cấp nhỏ giọt, tập trung vào những dự án bức thiết, cấp bách trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết: Khu mỏ cát biển khu B1 của tỉnh có 145 triệu m3 đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL. Đến tháng 11-2024, tỉnh đã cung cấp cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) hơn 774.380m3 cát biển. Do chưa có ranh giới chính thức trên biển giữa Sóc Trăng và Trà Vinh, nên việc giao mỏ cát biển tại tiểu khu B1.3 (thuộc mỏ B1) cho nhà thầu còn gặp khó khăn.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Bộ GTVT sớm trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư để phù hợp với thực tế thi công và yêu cầu kỹ thuật mới phát sinh. Tỉnh đề xuất bổ sung nút giao đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao với mức đầu tư hơn 1.581 tỷ đồng nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các khu vực trọng điểm, đồng thời giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện tại.

Tin cùng chuyên mục