Giải bài toán thiếu giáo viên nghệ thuật

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai sang năm thứ 4, nhưng vấn đề thiếu giáo viên nghệ thuật vẫn đang “nóng bỏng” ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú, PGS-TS Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (NUAE), xung quanh vấn đề này.

4b-7782.jpg
Nhà giáo ưu tú, PGS-TS Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (NUAE)

* PV: Với tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật, cụ thể là các môn Âm nhạc và Mỹ thuật, trên cả nước hiện nay, ông nhận định như thế nào?

* Nhà giáo ưu tú, PGS-TS ĐÀO ĐĂNG PHƯỢNG: Âm nhạc và Mỹ thuật là những môn quan trọng giúp phát triển sự sáng tạo, tự biểu đạt và kiến thức nghệ thuật cho học sinh. Thiếu hụt giáo viên trong các môn này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và cơ hội học tập của học sinh.

Khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, vấn đề thiếu giáo viên càng nóng bỏng hơn. Tính đến cuối năm 2022, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học và một số môn theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Tích hợp.

Mặc dù được giao bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục, nhưng đến tháng 5-2023, Bộ GD-ĐT và các địa phương mới tuyển được hơn 1/2 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu giáo viên nghệ thuật thiếu nhiều nhất vì không có nguồn tuyển. Có thể kể ra một số nguyên nhân như: nguồn đào tạo giáo viên nghệ thuật tại các trường đại học nói chung gặp nhiều khó khăn, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu; sinh viên nghệ thuật sau tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm nên nhiều em chuyển hướng sang công việc khác thu nhập cao hơn... Bên cạnh đó, từ năm học 2022-2023, môn Nghệ thuật bắt đầu được giảng dạy trong chương trình lớp 10 nên việc thiếu giáo viên càng trầm trọng hơn.

* Theo ông, trước mắt cần làm gì để bổ sung nguồn giáo viên đang thiếu?

* Theo tôi, không nhất thiết phải bảo đảm mỗi trường cần có 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật vì trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Nghệ thuật là môn học tự chọn, học sinh có thể chọn hoặc không. Tùy vào điều kiện của từng trường và số lượng học sinh đăng ký (tự chọn) mà có thể tổ chức dạy trực tiếp tại trường hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy các môn tự chọn này. Việc vận dụng 1 giáo viên âm nhạc hoặc 1 giáo viên mỹ thuật dạy cho một số trường THPT vẫn bảo đảm thuận lợi, chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, nội dung dạy học nghệ thuật ở bậc THPT theo định hướng giúp học sinh tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến năng khiếu và sở trường của học sinh, các trường có thể mời nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia về lĩnh vực này đến dạy một số chuyên đề.

Địa phương cũng cần có cơ chế để các trường sư phạm đào tạo giáo viên nghệ thuật hoặc các trường văn hóa nghệ thuật của địa phương liên kết với các trường THPT trên địa bàn đưa giảng viên/giáo viên âm nhạc, mỹ thuật đến giảng dạy. Như vậy, cả 2 bên đều đạt hiệu quả: trường THPT có giáo viên dạy chuyên nghiệp mà không cần bổ sung biên chế; trường sư phạm giải quyết được bài toán thừa giáo viên, thiếu giờ dạy.

Đây cũng là cơ hội để định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT có năng khiếu nghệ thuật trong tương lai, tạo nguồn đào tạo có chất lượng cho các trường nghệ thuật sau khi học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn theo học.

Các trường sư phạm có đào tạo giáo viên nghệ thuật trình độ đại học, trong đó có NUAE, cần được Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho mở các khóa bồi dưỡng bổ sung kiến thức dạy học ở bậc THPT (bằng các module, tín chỉ), đối tượng là các nghệ nhân, nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc, mỹ thuật của các trường văn hóa nghệ thuật, các sinh viên nghệ thuật đã tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm… Việc này giúp họ có thêm kiến thức sư phạm, phương pháp và cách tiếp cận mới để tham gia dạy học ở bậc THPT nếu có nhu cầu.

4a-5631.jpg
Giờ học sáo Record của sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường NUAE. Ảnh: NGỌC HÀ

* Với riêng TPHCM, NUAE có đề xuất gì để bù đắp nguồn giáo viên nghệ thuật đang thiếu ở địa phương này?

* Không chỉ TPHCM có nhu cầu lớn về việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn nghệ thuật mà đối với nhiều địa phương, trong đó có cả Hà Nội, nhu cầu về giáo viên dạy nghệ thuật trong các trường công lập vẫn chưa được giải quyết triệt để, sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài việc cần áp dụng chính sách đặc thù thu hút các sinh viên tốt nghiệp từ ngoại tỉnh đến giảng dạy, TPHCM có thể tiếp tục sử dụng một số giáo viên dạy nghệ thuật ở bậc THCS dạy cho bậc THPT. Về lâu dài, do nhiều giáo viên dạy nghệ thuật ở bậc THCS chưa đáp ứng được nội dung dạy học ở bậc THPT với chuyên môn sâu hơn, mang tính hướng nghiệp nên Sở GD-ĐT TPHCM cần có chiến lược bồi dưỡng, nâng cao trình độ.

Theo dự thảo Quy hoạch Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD-ĐT, các trường cao đẳng sư phạm sẽ được tổ chức, sắp xếp lại theo phương án sáp nhập vào một số trường đại học sư phạm hoặc một trường đại học có đào tạo giáo viên trong vùng, một trường đại học tại địa phương.

Đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành. Là cái nôi đào tạo nguồn giáo viên nghệ thuật cho cả nước, NUAE sẽ phối hợp tích cực với TPHCM trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên nghệ thuật, dần đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực sư phạm nghệ thuật chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh, thành phố khác.

Tin cùng chuyên mục