Giải bài toán thiếu cát san lấp đường cao tốc: Tiếp tục thí điểm dùng cát biển làm vật liệu

Việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền được cho là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất trong bối cảnh hàng loạt các dự án đường cao tốc đang phải thi công cầm chừng vì thiếu cát. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở pháp lý, chất lượng, tác động của việc sử dụng cát biển.

Cần xây dựng tiêu chuẩn

Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng cát biển làm vật liệu chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Theo PGS-TS Hoàng Hà, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, việc nghiên cứu, sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế, chưa được thí điểm áp dụng trên dự án đường ô tô lớn; công nghệ thi công, nghiệm thu chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là đối với trường hợp dùng kết hợp với các loại vật liệu khác; chưa có hệ thống đơn giá định mức đầy đủ...

Tuy nhiên, hiện cũng không có quy định nào cấm sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Vì vậy, cát biển có thể sử dụng làm vật liệu cho nền đường nếu như có các chỉ tiêu cơ lý hóa thỏa mãn các tiêu chuẩn hiện hành.

Z3b.jpg
Đường cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau thi công chậm do thiếu cát

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện Bộ GTVT đã thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc, với một số điều kiện như: chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012; sử dụng cho nền đắp có độ chặt K≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm. Đồng thời, các đơn vị sẽ triển khai các giải pháp quan trắc môi trường để giám sát mức độ tác động trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cát biển cần được xây dựng tiêu chuẩn riêng để thuận tiện cho việc áp dụng đại trà. Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN), cho biết, sau khi có đủ kết quả đánh giá thử nghiệm, thí điểm, các bộ chuyên ngành sẽ xây dựng dự thảo các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi chuyển sang Bộ KH-CN để tổ chức thẩm định, ban hành. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ tích cực phối hợp với các bộ trong công tác này.

Nguồn tài nguyên dồi dào

Theo Bộ GTVT, việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, việc sử dụng cát biển được đặt ra khi hàng chục dự án xây dựng đường cao tốc được triển khai đồng loạt trên cả nước, nguồn cát sông không đủ đáp ứng nhu cầu.

Z1c.jpg
Thị công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG

Theo các kết quả điều tra, nghiên cứu hiện có, Việt Nam có tổng tài nguyên cát biển dự báo gần 150 tỷ m³, trong đó, khu vực biển Sóc Trăng được chọn trước vì hội tụ nhiều yếu tố như trữ lượng lớn, khai thác, vận chuyển thuận lợi...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ TN-MT đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”. Kết quả nghiên cứu đã xác định được một khu cát biển (B1) đáp ứng các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012; đã lựa chọn được địa điểm cụ thể với diện tích 32km2 với trữ lượng 143,3 triệu m³, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2,8-9m, cách cửa Định An 21km, có điều kiện khai thác khả thi.

Hiện Bộ TN-MT đã chuyển giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng tài liệu, hồ sơ để tiến hành các thủ tục nhằm khai thác, cung cấp vật liệu cho các dự án theo cơ chế đặc thù quy định tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội.

Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ TN-MT hoàn thành việc giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng theo đúng thời hạn; Bộ GTVT có văn bản công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ lý, công nghệ, vật liệu đi kèm… khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện. Hiện các bộ đang rốt ráo thực hiện các chỉ đạo này để sớm có nguồn cát phục vụ thi công.

Tin cùng chuyên mục