Giải bài toán thiếu cát san lấp đường cao tốc: Nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên cát biển

Xung quanh giải pháp san lấp nền đường cao tốc như Báo SGGP đã nêu, Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về vấn đề này.

Xung quanh giải pháp san lấp nền đường cao tốc như Báo SGGP đã nêu, từ nay đến khi Luật Địa chất và Khoáng sản mới có hiệu lực (dự kiến luật này được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, kỳ họp cuối năm nay - PV), Quốc hội đã ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản, trong đó liên quan đến vấn đề nâng công suất, gia hạn các mỏ khai thác, thực hiện đơn giản các thủ tục và hiện đang triển khai khá tốt. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về vấn đề này.

- Phó Thủ tướng Chính phủ TRẦN HỒNG HÀ:

Cụ thể các tiêu chí về mặt cơ lý và bảo vệ môi trường là yêu cầu tiên quyết

Đặc biệt đối với những vùng rất khó khăn về vật liệu xây dựng, như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng đã 2 lần xuống làm việc và các phó thủ tướng, bộ trưởng cũng đã làm việc rất nhiều lần. Đến nay, đã dự báo, xác định rõ yêu cầu tiến độ cung cấp, công suất có thể cung cấp và đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất, đối với nguồn cát nhiễm mặn đã được nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm và Bộ GTVT đã ban hành các hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm công nghệ khai thác, công nghệ để san lấp, đánh giá về tính chất cơ lý, sức bền vật liệu và vấn đề ảnh hưởng môi trường.

Theo đó, các dự án có điều kiện tương tự và đặc biệt, theo Bộ GTVT, âm nền K95 không đắt quá; kết hợp các vật liệu địa nhiệt, chúng ta sẽ cô lập toàn bộ cát biển trong quá trình san lấp. Thực hiện đúng thì cơ bản kiểm soát được vấn đề về môi trường, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường. Tại tỉnh Sóc Trăng, cát biển ở đây chủ yếu là thành phần cát sông, tức là hạt lớn, có thể đáp ứng yêu cầu rất cụ thể, cần phải đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm với từng khu vực khai thác và từng công trình. Đặc biệt, phải đưa ra các tiêu chí về mặt cơ lý và vấn đề bảo vệ môi trường - đấy là yêu cầu tiên quyết.

Với vai trò điều hành, quản lý các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ban hành Nghị định 157, trong đó đã giải quyết đồng thời 2 mục tiêu. Thứ nhất, đối với các cảng biển nội thủy và các sông ngòi, tuyến kênh, rạch, chúng ta hoàn toàn có thể giao cho địa phương đánh giá, điều tra và khai thác để thực hiện thông tuyến, đồng thời tận dụng vật liệu này. Vừa rồi qua đánh giá sơ bộ, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã có hơn 45 triệu tấn, hoàn toàn có thể chủ động cung cấp lượng cát cho đường cao tốc. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn khác, trong đó có việc nghiên cứu để sử dụng đá xay; đồng thời nghiên cứu để có thể nhập vật liệu cát ở các nước bạn như Campuchia.

!1e.jpg
Thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG

- Bộ trưởng Bộ TN-MT ĐẶNG QUỐC KHÁNH:

Đã đánh giá trữ lượng, khu vực để khai thác

Thực hiện 8 nghị quyết của Quốc hội (về cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc - PV), Chính phủ và Bộ TN-MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc cấp vật liệu xây dựng này cho các dự án. Theo luật hiện hành, việc cấp mỏ vật liệu san lấp chưa được phân loại, phân nhóm. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vừa trình Quốc hội đã khắc phục điều này bằng cách phân loại 4 nhóm khoáng sản, trong đó nhóm thứ 4 là vật liệu đất đá, sỏi. Loại này được phân cấp triệt để cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ mà bên khai thác chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.

!3a.jpg
Dự án thành phần 4 đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang chậm tiến độ vì thiếu cát san lấp. Ảnh: TUẤN QUANG

Về phương án sử dụng cát biển, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT, các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ KH-CN, Bộ GTVT cùng nghiên cứu việc sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ GTVT đã thực hiện sử dụng cát biển trong việc san lấp và xây dựng đường giao thông. Về phần mình, Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để lấy cát biển. Bộ đã hoàn thành xong Đề án đánh giá trữ lượng ở khu vực Sóc Trăng, với một trữ lượng có thể lấy ngay được là 145 triệu m3, cách bờ gần 20km, thân mỏ có chiều sâu khoảng 7m.

Tuy nhiên, Bộ TN-MT khuyến cáo, nếu lấy cát biển thì chỉ lấy khoảng 2m để giảm tác động của môi trường. Trữ lượng cát biển của chúng ta rất lớn, trên thực tế cát biển đã được sử dụng để san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án ven biển. Có ý kiến e ngại có thể gây ra tình trạng nhiễm mặn. Đúng là khi sử dụng cát biển chúng ta phải đánh giá tác động môi trường cẩn thận, nguyên tắc là không được gây nhiễm mặn cho các khu vực xung quanh. Như vậy, tùy theo công trình, dự án, mức độ sẽ được đánh giá tác động cụ thể. Nếu đưa cát biển vào làm vật liệu xây dựng thì Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý về vật liệu xây dựng sẽ có một quy chuẩn, tiêu chuẩn: đưa vào như thế nào; ở đâu; đưa vào được những loại công trình gì.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ:

Đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn

Về vật liệu san lấp, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành, chuyển các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn kỹ thuật cũng như các định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Tổng cộng gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật cho các lĩnh vực như làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vữa xây, bê tông, bê tông đầm lăn và đất làm vật liệu đường giao thông, vật liệu san lấp.

Đối với cát nhiễm mặn, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa. Riêng đối với cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp đường giao thông, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng đề án nghiên cứu, đánh giá, thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường. Tôi được biết, Bộ GTVT đã hoàn thành thí điểm và đã báo cáo. Theo đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh căn cứ theo nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án địa phương để tiếp tục triển khai thí điểm mở rộng, sử dụng cát biển làm đường cho dự án công trình giao thông.

Tin cùng chuyên mục