Cùng tham dự có các ông, bà: Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận 5; Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10; Đoàn Hồng Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 10; Nguyễn Tăng Minh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 11; Liêu Thị Liên, Phó Chủ tịch HĐND quận 11; Đào Thanh Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 11.
Tại buổi tiếp xúc, ĐB Huỳnh Thành Đạt đã báo cáo trước cử tri nội dung dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và các hoạt động tiêu biểu của Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM từ sau kỳ họp thứ 9 đến ngày 30-9-2020. Sau đó, 9 cử tri của ba quận 5, 10, 11 đã phát biểu nêu nhiều ý kiến góp ý với Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác tư pháp cũng như góp ý trong các lĩnh vực, giáo dục, y tế, giao thông đô thị, bán hàng qua mạng (online)…
Trong lĩnh vực giáo dục, cử tri Huỳnh Văn Sáu (quận 5) nêu băn khoăn khi “tuổi thọ” sách giáo khoa quá ngắn, chỉ sử dụng được 1 năm. “Đề nghị ĐB Quốc hội trao đổi với bộ phận soạn thảo để soạn thảo ra những bộ sách giáo khoa có thể sử dụng được 5, 6 năm. Ngoài ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ nên quy định chương trình khung, còn mỗi tỉnh thành sẽ chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với tình hình của địa phương mình”, cử tri Sáu đề xuất. Cũng góp ý trong lĩnh vực này, cử tri Nguyễn Thị Mộng Duyên (quận 5) đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo cương quyết xóa bỏ bệnh thành tích.
Thay mặt tổ ĐB Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí tiếp thu các ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; cho biết Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM sẽ tổng hợp, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội và chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo ĐB Lê Minh Trí, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều kết quả tốt cần ghi nhận, như: công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều tiến bộ; kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng và mức sống người dân tốt hơn trước; luật được ban hành nhiều hơn và là công cụ để quản lý xã hội tốt hơn, phục vụ phát triển tốt hơn; kiểm soát tốt dịch Covid-19 và đạt được tăng trưởng dương trong bối cảnh khó khăn…
Trao đổi về vấn đề tai nạn giao thông, ĐB Lê Minh Trí cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có đầu tư về hạ tầng, ý thức của chủ phương tiện và của người tham gia giao thông, trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan. Do vậy, để giải được “bài toán” này thì phải nhìn nhận được nguyên nhân tổng thể, cũng như đòi hỏi sự đồng bộ của các chủ thể tham gia cùng với các quy định của pháp luật.
Ghi nhận những ý kiến cử tri nêu đối với ngành giáo dục, ĐB Lê Minh Trí bày tỏ: “Cải cách giáo dục là cần thiết, nhưng lộ trình thực hiện phải hợp lý, cái gì còn hạn chế thì phải điều chỉnh”. Nêu ý kiến về bán hàng qua mạng, ông Trí cho rằng đây là nhu cầu thực tế của xã hội, và loại hình mua bán này đã thể hiện được mặt tích cực trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Vấn đề quan trọng là quản lý Nhà nước, xử lý vi phạm như thế nào để cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng thấy được trách nhiệm của mình chứ không phải chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao khẳng định đây là mục tiêu lớn, và nước ta đang thực hiện tốt. Tuy nhiên, do đây là là tội phạm ẩn nên việc điều tra gặp khó khăn. Theo ĐB Trí, quan điểm xử lý loại tội phạm này là khai tốt, nộp lại tài sản tốt, hợp tác tốt thì sẽ được hưởng sự khoan hồng; từ đó khuyến khích, động viên người phạm tội hợp tác điều tra và nộp lại tài sản thu nhập bất chính để được xử lý ở mức nhẹ hơn. Bên cạnh đó, chống tham nhũng nhưng cũng cần phải bảo vệ quyền con người. “Nếu chỉ nghi họ tham nhũng mà không có bằng chứng, chưa khởi tố thì không được phép đụng vào tài sản của họ”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí giải thích thêm.