Giải bài toán rủi ro tín dụng xanh

Ngày 18-10, Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”.

Các đại biểu chủ tọa hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các đại biểu chủ tọa hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiềm năng cao, rủi ro lớn

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP, cho biết, theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 2% tổng GDP; ước tính trong năm 2020, nền kinh tế xanh đem lại hơn 400.000 việc làm.

Còn theo Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13/43 quốc gia châu Á về Chỉ số tăng trưởng xanh vào năm 2022. Trong báo cáo đầu tư toàn cầu 2022 của Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Việt Nam đứng thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển về tỷ lệ vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, tương đương 31% tổng nguồn vốn đầu tư, xếp thứ 2 trong các quốc gia đang phát triển trên thế giới, chỉ sau Brazil.

Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Nguyễn Nhật, kết quả tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi thiếu các giải pháp hiệu quả. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, cũng như tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.

I5a.jpg
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Năng lượng và môi trường thông minh (BYECO2) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Là chuyên gia tư vấn về thực hành tiêu chuẩn đo lường về phát triển bền vững (ESG), ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Năng lượng và môi trường thông minh (BYECO2) nhìn nhận, hiện các doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh cũng như tiếp cận tài chính xanh. Bộ tiêu chuẩn ESG gồm 3 yếu tố: môi trường (E), xã hội (S) và quản trị doanh nghiệp (G), là xu hướng bắt buộc nhưng hầu hết dành cho các DN lớn, được tư vấn bởi định chế tài chính Big4. Trong khi các DN nhỏ và vừa phải duy trì tài chính cho việc vận hành hoạt động hàng ngày. Ông Hạc Minh đánh giá, nhóm DN nhỏ và vừa đang chịu sức ép lớn để duy trì sự sống còn nhưng họ cũng ước muốn vượt lên chính mình.

Còn bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, bày tỏ, bà hay nghe than phiền rằng ngành ngân hàng thì dư vốn trong khi DN không tiếp cận được. Nếu có giải pháp công nghệ khả thi kết nối, tháo gỡ được vướng mắc thì ngân hàng sẽ yên tâm hơn, có thể giám sát tốt hơn, hạn chế rủi ro tín dụng. Trong khi đó, từ thực tiễn cơ quan tài phán, luật sư Châu Việt Bắc, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết, thời gian qua, tranh chấp giữa DN và ngân hàng liên quan đến yếu tố “xanh” và “số” tăng cao. Ông cho rằng, nếu không kiểm soát tốt lợi ích và rủi ro của DN và ngân hàng sẽ dễ dẫn đến tranh chấp, vì các vấn đề liên quan đến tài chính xanh, chuyển đổi số khá mới, thiếu khuôn khổ pháp lý và có liên quan đến chuẩn mực quốc tế.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Tổng hợp các ý kiến thành báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ

Tôi đánh giá rất cao kết quả hội thảo, đã mang đến nhiều thông tin bổ ích. Chúng ta có rất nhiều công cụ trung gian để giảm thiểu rủi ro tín dụng xanh. Trước hết, bảo hiểm là công cụ rất tốt, cùng với đó là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Từ hội thảo này cho thấy, chúng ta cần sớm có tư duy về ESG, không đợi phải giàu mới cố gắng, mà cần tư duy ngay từ đầu về phát triển xanh. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa DN và ngân hàng phải dựa trên sự tin cậy, không thể thiếu các tổ chức đánh giá độc lập. Ngân hàng phải cố gắng có sản phẩm vay trung và dài hạn như đề xuất của DN. Tôi đánh giá cao tính chuyên môn, hữu ích của hội thảo, đề nghị Báo SGGP, ban tổ chức hội thảo tổng kết thành báo cáo gửi đến các cơ quan Quốc hội, Chính phủ để góp phần hình thành được các chính sách phát triển tài chính xanh trong tương lai.

Cần chính sách toàn diện

Phản biện lại các ý kiến tại hội thảo, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh, nhiều vấn đề được đại biểu đặt ra không phải dễ giải quyết. Ông dẫn chứng sự việc hồi tháng 1-2023, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã phát biểu, ngân hàng trung ương không phải nhà hoạch định chính sách khí hậu! Ngân hàng trung ương Mỹ cũng chưa đề cập nhiều đến việc này. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu lại đưa ra thông điệp bằng mọi cách phải đạt được Net Zero.

Theo ông, tại Việt Nam, các ngân hàng ở Việt Nam đứng trước rủi ro rất lớn, vì quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có rủi ro về khí hậu. Nếu cấp tín dụng xanh lại còn dài hạn thì rủi ro tín dụng rất lớn. Nếu tới đây, Quốc hội không ghi rõ điều khoản mục tiêu của NHNN là bảo vệ các tổ chức tín dụng trước các nguy cơ của biến đổi khí hậu, thì NHNN sẽ không có bộ công cụ riêng biệt để đạt được mục tiêu Net Zero. Từ đó, các khoản vay tín dụng xanh sẽ có tính rủi ro rất cao, với hàng loạt rủi ro pháp lý. Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, không chỉ NHNN mà Chính phủ phải có quy định cụ thể về thuế, cho vay, sàn tín dụng xanh. Có như vậy mới thúc đẩy được tín dụng xanh.

I5b.jpg
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Trao đổi lại, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết trước quốc tế về Net Zero, nhưng nhìn lại chưa thấy Luật NHNN “chuyển động” về vấn đề này.

Thảo luận thêm, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng: “Chúng ta mới nói rủi ro của tín dụng xanh, nhưng tín dụng không xanh thì rủi ro lại càng cao trong tương lai. Vì tín dụng không xanh, sản phẩm không xuất khẩu được, nếu ngân hàng thoải mái cấp tín dụng không xanh thì tương lai càng rủi ro nhiều hơn”.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, khách hàng buộc DN phải chuyển đổi xanh. Nhưng về phương diện quốc gia, chúng ta cần đặt ra khung pháp lý, tiêu chí để thúc đẩy chứ không để DN bị động trên thị trường quốc tế.

“Vừa qua, tôi đi tìm hiểu một số nước, thấy DN của một số quốc gia bắt đầu nhận chỉ tiêu về giảm khí thải carbon, nếu vượt quá thì phải mua. Từ đó hình thành nên thị trường tín chỉ carbon bù trừ, bắt buộc. Trong khi Việt Nam tới năm 2027 mới bàn tới thị trường này. Riêng tại TPHCM, Nghị quyết 98 cho thí điểm thị trường carbon, yêu cầu các bộ phải hướng dẫn cho TPHCM nhưng đến nay chưa có hướng dẫn nào để xây dựng bộ tiêu chí thực hiện thí điểm”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Ngân hàng và doanh nghiệp cùng chia sẻ

Các ý kiến tại hội thảo cho thấy bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách làm hành lang pháp lý vững chắc cho tín dụng xanh phát triển, thì doanh nghiệp - ngân hàng cũng cần ngồi lại, chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích, vì mục tiêu cùng nhau phát triển bền vững.

I5d.jpg
Diễn giả trình bày tại hội thảo

Ông VŨ ĐỨC GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Một đơn hàng phải đáp ứng 86 tiêu chí xanh

Vũ Đức Giang.jpg

9 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may xuất khẩu đạt 32,2 tỷ USD, mục tiêu năm nay xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Ngành dệt may đã đi trước về chứng chỉ xanh, đặc biệt trong 5 năm gần đây, vì nếu không đáp ứng thì không có đơn hàng. Các thị trường từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây cả Trung Quốc cũng đưa ra những đòi hỏi xanh đối với sản phẩm dệt may. Hiện chúng tôi có 7.000 DN mang đến 2,8 triệu việc làm. Tuy nhiên, để có được 1 đơn hàng dệt may, DN phải đáp ứng tới 86 chỉ tiêu đánh giá, không đơn giản chút nào. Do vậy, DN phải đầu tư rất lớn, chuyển đổi số, robot hóa là tất yếu.

Về mối quan hệ giữa DN và ngân hàng, ngân hàng nên chủ động hợp tác với tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ cho DN để an tâm cho vay. Ngân hàng cần suy nghĩ đến việc cho vay tín dụng xanh trung và dài hạn, trong đó phải có gói cho vay để đầu tư hạ tầng xanh, bao gồm cả gói chi phí đánh giá, vì phí đánh giá hiện nay rất cao.

Ông TRẦN HOÀI PHƯƠNG, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, HDBank: Ngân hàng từ chối khách hàng chưa "xanh"

Trần Hoài Phương.jpg

HDBank được tiếp cận sớm với các định chế tài chính phát triển của nước ngoài, huy động được 500 triệu USD nguồn vốn cho vay xanh. Nhờ đó chúng tôi có dịp học hỏi, hiểu được các hướng đi của thế giới để dễ thuyết phục DN cùng đi với mình. Từ năm 2024, tất cả khách hàng DN không chỉ đánh giá rủi ro về tài chính, tín dụng mà còn đánh giá rủi ro về môi trường xã hội. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, DN phải chủ động chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình đang theo đuổi với các ngân hàng. Do đó, ngân hàng đã chấp nhận từ chối một số khách hàng không đáp ứng được tiêu chí như sản xuất thuốc lá, thủy điện, nhiệt điện…

Các DN khi đến với HDBank sẽ được tư vấn miễn phí về chuyển đổi xanh. Cuối năm nay, lần đầu tiên chúng tôi phát hành 100 triệu USD trái phiếu xanh với sự tư vấn của IFC, có danh sách khách hàng tiềm năng sử dụng trái phiếu xanh, với các lĩnh vực năng lượng mặt trời, nông nghiệp, điện rác.

Ông LÊ ĐĂNG KHOA, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, OCB: Chưa có quy định, DN và ngân hàng đều khó xử

Lê Đăng Khoa.jpg

Phát triển tín dụng xanh là một hành trình dài, có ba chủ thể chính trong hành trình này. Về cơ quan quản lý, ngân hàng mong cơ quan quản lý có chính sách cụ thể, tổng thể hơn để giúp các bên liên quan dễ ứng xử trong các tình huống cụ thể. Như định nghĩa tài sản nào là tài sản xanh, vì chưa có nên chúng tôi khó xử trong nhiều tình huống. Về phía DN, mong DN hiểu đây là xu hướng tất yếu, đi theo hướng rõ ràng minh bạch hơn. Về phía ngân hàng, cái khó đôi khi là phải đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn.

Tới đây, OCB cũng có chương trình cho các start-up, đóng góp nhiều cho hành trình xanh. Ngân hàng cam kết đồng hành cụ thể, không phải đợi mọi thứ trọn vẹn rồi mới làm.

Ông TÔ VĨ HÙNG, Giám đốc Tài chính Công ty Zarubezhneft Việt Nam: DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng

Tô Vĩ Hùng.jpg

Tham dự Ủy ban Báo cáo phát triển bền vững hơn 10 năm, tôi thấy việc lập báo cáo phát triển bền vững (ESG) không khó và không quá tốn kém. Tuy nhiên, đối với DN nhỏ và vừa là những DN có khả năng tài chính hạn chế lại e ngại, không dám tiếp cận. Thật ra, hiện nay các báo cáo ESG của các định chế tài chính lớn trên thế giới rất tốt, rất đa dạng, đầy đủ và có những chuẩn mực, tiêu chuẩn dành riêng cho các DN nhỏ và vừa nên các DN có thể tham khảo, áp dụng. Do đó, các DN đừng đợi việc Báo cáo phát triển bền vững trở thành yêu cầu phải tuân thủ mới làm mà nên đầu tư, nghiên cứu cách làm của thế giới để thực hiện ngay. Vì khi thực hiện ESG sẽ rất có ích cho DN, chẳng hạn như có thể tiếp cận nguồn vốn mới, khách hàng mới…

HẠNH NHUNG - MAI HOA

Tin cùng chuyên mục