Theo đó, một giáo viên dạy môn Toán, Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn), cho biết bản thân chỉ có trình độ B tiếng Anh, nhưng đã lâu không dùng đến. “Chuyên môn là Toán nên hơn 10 năm đi dạy, tôi chỉ tập trung các vấn đề Toán học. Trường ở ngoại thành nên cả thầy lẫn trò đều không sử dụng nhiều tiếng Anh. Giờ nếu yêu cầu chúng tôi phải học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ mới được thăng hạng viên chức thật sự làm khó chúng tôi”, giáo viên này cho biết.
Bên cạnh đó, theo cô Lê Thị Mai, giáo viên Trường THCS Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh), yêu cầu ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy tiếng Anh cũng là một trở ngại lớn. “Nhà tôi ở quận Thủ Đức, để học bổ túc thêm bằng ngoại ngữ 2, tôi phải lên tận quận 6 mới có chỗ dạy. TPHCM thì còn có nhiều trung tâm ngoại ngữ, thử hỏi giáo viên ở tỉnh lẻ, đặc biệt vùng núi, muốn học thêm tiếng Nhật, Pháp, Đức thì biết phải đi đâu đăng ký?”, cô Mai bày tỏ.
Trước thực tế đó, các giáo viên đã kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét lại chuẩn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, vì nếu đưa ra tiêu chuẩn mà giáo viên không có khả năng thực hiện thì động lực phấn đấu sẽ chùn xuống. “Nếu đưa ra các mức tiêu chuẩn gần hơn, tạo động lực cho giáo viên có thể phấn đấu từng bước thì chúng tôi còn cố gắng”, một giáo viên ở huyện Hóc Môn nêu ý kiến.
Đáp lại băn khoăn này, ông Đặng Văn Bình, Trưởng phòng Nhà giáo thuộc Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhấn mạnh: “Ngoại ngữ là một trong những kỹ năng nền tảng giúp giáo viên hoàn thành tốt chuyên môn, đặc biệt cần thiết trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu. Nếu nói giáo viên Toán chỉ biết toán, giáo viên Văn giỏi văn chỉ là làm tròn vai. Học sinh bây giờ được học tiếng Anh từ tiểu học, nếu thầy cô không cập nhật ngoại ngữ làm sao đáp ứng yêu cầu học tập của các em?”. Riêng về hình thức học tập, ông Bình cũng khẳng định giáo viên hiện nay có rất nhiều phương pháp như tự học trên mạng, đăng ký các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ từ xa hoặc ngắn hạn…
Qua đó cho thấy, ngoại ngữ không chỉ là hạn chế chung của học sinh mà còn là của nhiều giáo viên Việt Nam. Ngoài một số bất cập về địa điểm tổ chức, thời gian học tập, phần đông giáo viên còn mang tâm lý né tránh hoặc e ngại, thích “kiếm cơm” bằng chuyên môn chính hơn bỏ thời gian, công sức đầu tư ngoại ngữ với những lợi ích chưa thật sự rõ ràng. Nói như bày tỏ của hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM, ý thức chỉ được hình thành khi các thầy, cô được tạo điều kiện thực hiện hành vi đó. Trong đó, quyền lợi không thể thiếu khi đi cùng nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhưng để làm được điều đó, không thể chỉ dựa vào một, hai chính sách, quy định mà cần sự thay đổi toàn diện từ đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt các vấn đề về chế độ, chính sách đãi ngộ phải được quan tâm hàng đầu.