Để làm rõ hơn vấn đề này, PV báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Mỗi 2 năm một lần, Sở Y tế TPHCM chọn các đơn vị luân phiên mua sắm tập trung đối với các danh mục thuốc phải mua sắm tập trung theo quy định. Để thực hiện mua sắm tập trung luân phiên tại từng đơn vị, Sở Y tế đã huy động nhân lực cả ngành tham gia theo đúng quy định của pháp luật, đúng quy định của Bộ Y tế mà không cần hình thành một bộ máy mới, bên cạnh đó, đảm bảo được tình trạng cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị.
Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc mua sắm này là thiếu tính chuyên nghiệp do bộ máy chịu trách nhiệm thực hiện đấu thầu (bên mời thầu) không liên tục, thường mang tâm lý giải quyết công việc theo thời vụ; nhân sự không ổn định do tùy thuộc vào việc điều động của các bệnh viện; đồng thời các bệnh viện được phân công đấu thầu tập trung không có chức năng điều phối thuốc sau đấu thầu mà do Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế) thực hiện; các đơn vị chỉ thực hiện chức năng mua sắm thuốc, chưa thực hiện mua sắm vật tư - trang thiết bị y tế.
Để Trung tâm mua sắm tập trung hoạt động hiệu quả, nguồn nhân sự được Sở Y tế điều phối như thế nào?
Theo tinh thần mới hiện nay của Chính phủ, khi thành lập mới một trung tâm hay đơn vị sự nghiệp nào đó thì hạn chế thấp nhất phát sinh thêm nhân lực. Sở Y tế sẽ hình thành bộ khung cán bộ chuyên trách của Trung tâm mua sắm tập trung từ các cán bộ y tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác mua sắm, quản lý thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của các đơn vị trực thuộc (các trưởng, phó khoa dược; trưởng, phó phòng vật tư trang thiết bị của các bệnh viện). Khung cán bộ chuyên trách dự kiến không quá 30 người. Đây là nhóm nhân lực cố định, không cần nhiều vì đã có nhân lực chuyên gia, nhân lực biệt phái.
Nguồn nhân lực quan trọng thứ 2 cho trung tâm là nhân lực biệt phái. Từng bệnh viện sẵn sàng có danh sách cán bộ viên chức thuộc các lĩnh vực sẽ lần lượt biệt phái đến Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế để công tác. Thời gian biệt phái có thể một năm, hết thời gian biệt phái sẽ quay trở lại bệnh viện. Giai đoạn đầu, Sở Y tế sẽ chọn những người có nhiều kinh nghiệm để biệt phái trước, tạo được kết quả tốt cũng như tham gia công tác đào tạo, huấn luyện.
Nguồn nhân lực thứ 3 tuy không thường xuyên nhưng sẽ đóng góp quan trọng cho hoạt động của trung tâm, đó là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau (y, dược, pháp luật, tài chính…) hoạt động theo hình thức các hội đồng chuyên môn. Xác định danh mục thuốc cần mua sắm tập trung theo từng chuyên khoa, xác định tính năng kỹ thuật của các loại vật tư, trang thiết bị cần đấu thầu… sẽ do các hội đồng chuyên gia quyết định để Trung tâm mua sắm tập trung tiến hành các bước đấu thầu theo luật định.
Như vậy, Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ hoạt động theo các phương thức nào, thưa ông?
Hoạt động của trung tâm là chuyên nghiệp hóa công tác mua sắm đấu thầu cho đội ngũ cán bộ khung và các nhân viên y tế biệt phái tham gia bằng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về công tác đấu thầu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và hạn chế thấp nhất các lỗi có thể xảy ra trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.
Chúng tôi đã xác định lộ trình và mỗi lộ trình có những điểm ưu tiên khác nhau, đã được lãnh đạo thành phố đồng ý. Trước hết mua sắm thuốc là ưu tiên nhất và ngành y tế thành phố ít nhiều đã có kinh nghiệm qua những lần mua sắm tập trung trước đây. Khi hoạt động mua sắm thuốc đã ổn định thì những năm sau từng bước sẽ mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị. Tiêu chí mua sắm đưa ra phải đảm bảo cung ứng kịp thời, giá hợp lý nhất, sản phẩm mua sắm phải có chất lượng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các bệnh viện và đặc biệt tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về mua sắm.
Làm sao để tránh lãng phí cũng như đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện về mua sắm thuốc, vật tư y tế một cách thực tế nhất?
Nhân lực của trung tâm không phát sinh thêm, chỉ có bộ khung huy động từ các bệnh viện thì sẽ không lãng phí về nhân lực. Còn điểm lợi của trung tâm là giảm lãng phí, bởi khi mua sắm thuốc, bệnh viện không thể chủ động được hoặc có thời điểm dự kiến bệnh này không nhiều nhưng bệnh khác lại nhiều; bệnh viện dự kiến mua thuốc cho một bệnh nào đó, nhưng không dùng hết, trong khi một bệnh viện khác đã hết thuốc, thì trung tâm có chức năng điều phối sau mua sắm để tiết kiệm tối đa. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ ứng dụng công nghệ, cảnh báo những bệnh viện sắp hết thuốc hoặc hết thuốc để sẵn sàng chủ động thuốc cho các bệnh viện có nhu cầu.
Hiện hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định “tan vỡ” hoặc tạm nghỉ. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, người dân. Cán bộ y tế đang nhìn thấy, rất đau lòng về điều đó và muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp nên không thể làm được. Việc TPHCM lập Trung tâm mua sắm tập trung y tế để giải quyết những vướng mắc, ách tắc hiện nay, được coi là giải pháp tình thế đúng cho chính thành phố. TPHCM có quy mô dân số lớn và số lượng bệnh viện rất nhiều, do đó cần phải chủ động những chính sách, quyết định kịp thời để giải quyết vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, nhất là với thuốc men, còn nếu cứ chờ đợi chưa biết khi nào thực hiện, cán bộ y tế, bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi.
TS-BS NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Nhiều khó khăn trong đấu thầu
Thực trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị khiến người bệnh lãnh đủ. Sau nhiều hệ lụy xảy ra, việc đấu thầu đã khó nay càng khó hơn. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao trước đây cũng bao nhiêu luật, người ta làm không thiếu, sao bây giờ thiếu. Trước đây, mình làm phù hợp thực tiễn hơn là quy định. Ví dụ, trước đây, nếu mình thiếu thuốc đó, mình mượn rồi mình đấu thầu trả nợ sau, sau hàng loạt vụ vi phạm được phanh phui, các quy định cũng được siết chặt, các đơn vị không mượn được thuốc nên gây thiếu. Vì vậy, để tháo gỡ việc thiếu thuốc, thiết bị y tế trong các cơ sở y tế, cần sớm có nghị định hoặc hướng dẫn của Quốc hội cho hướng dẫn liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế.
PGS-TS NGUYỄN LÂN HIẾU, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:
Cần luật hóa về hợp tác công - tư trong y tế
Trong lúc đợi hoàn thiện Luật Đối tác công - tư, nên đưa vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi một mục để khuyến khích hợp tác công - tư những sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dân phi lợi nhuận. Ví dụ như tư nhân tặng cơ sở vật chất để bệnh viện công sử dụng khám chữa bệnh, nếu có lãi sau khi trừ chi phí vận hành (điện nước, vật tư tiêu hao, lương của nhân viên y tế…) thì không chia mà tái đầu tư mở rộng hệ thống. Tư nhân sẽ có lợi nhờ danh tiếng mang lại từ hoạt động thiện nguyện, người dân sẽ có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng, không quá đắt đỏ, nhân viên y tế có thu nhập và bệnh viện công được nâng cao thương hiệu…