Hơn 20.000 căn nhà cần di dời
Phóng tầm mắt từ trên cầu chữ Y hoặc cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), chúng ta sẽ thấy rõ diện mạo của hàng loạt căn nhà trên kênh Đôi: lụp xụp, tạm bợ, nhếch nhác. Hàng ngàn người dân sống trong những căn nhà ẩm thấp này với điều kiện sống về điện, nước, phòng cháy chữa cháy… rất sơ sài. Ở hẻm số 1076 đường Phạm Thế Hiển (quận 8), nhiều căn nhà tuềnh toàng được dựng trên con kênh có màu nước đen ngòm, bốc mùi xú uế.
Bà Bùi Thị Tuyết (70 tuổi) thổ lộ: “Tôi sống trên kênh này mấy chục năm qua. Từ những năm 2016-2017, khi nghe thông tin TPHCM giải tỏa nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị, bà con vui mừng vì có cơ hội thoát cảnh sống tạm bợ. Nhưng chờ 5 năm rồi, vẫn chưa thấy nhúc nhích gì”.
Theo báo cáo của UBND quận 8, địa phương có 12.389 căn nhà lụp xụp (hơn 52.500 nhân khẩu), trong đó có khoảng 6.400 căn nhà trên bờ, gần 4.000 căn nhà có một phần trên bờ, một phần trên kênh rạch. Số căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh rạch là hơn 2.000 căn cần di dời sớm. Riêng tuyến kênh Đôi có hơn 6.000 căn nhà nằm hai bên bờ Nam - Bắc.
Theo đánh giá của UBND quận 8, đa số nhà trên và ven kênh rạch đều xây dựng không hợp pháp, có diện tích nhỏ, thiếu điều kiện sinh hoạt cơ bản, nhà vệ sinh, nước thải xả trực tiếp xuống kênh, rạch làm mức độ ô nhiễm ngày càng tăng…
Theo thống kê của ngành chức năng, TPHCM hiện có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch (kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm…), tập trung ở các quận 4, 7, 8 và Bình Thạnh. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, TPHCM phấn đấu di dời hơn 20.000 căn, nhằm chỉnh trang đô thị dọc 2 bên bờ và tổ chức lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, ước tính đến nay mới di dời được hơn 7.260 căn, đạt hơn 36% kế hoạch.
Cơ chế hấp dẫn thu hút nhà đầu tư
Theo Sở Xây dựng TPHCM, để di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, TPHCM phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ước tính hơn 44.000 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn hạn hẹp và cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án khác như chương trình giảm ùn tắc giao thông, chống ngập…
“Vướng mắc lớn nhất là TPHCM không còn nhiều quỹ đất công có giá trị lớn để thanh toán cho doanh nghiệp nếu họ tham gia di dời, tái định cư, chỉnh trang kênh rạch”, một chuyên gia đô thị nhìn nhận.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, kế hoạch di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trọng điểm thuộc bờ Nam kênh Đôi, liên quan đến hàng ngàn gia đình nằm trên địa bàn các quận 4, 7 và 8. Chương trình này tiêu tốn nguồn kinh phí rất lớn vì phải giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời và tái định cư, đồng thời xây dựng bờ kè, chống sạt lở…, trong khi nguồn vốn này đang bị ách tắc do cả vốn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa đều gặp khó khăn trong phân bổ, huy động. Cái khó là theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải lo quỹ nhà tái định cư trước, sau đó mới đền bù giải tỏa. Nhưng thực tế, đầu tư nhà tái định cư hiện rất khó khăn về quỹ đất, hạ tầng.
Một số doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết đã khảo sát, lên đề án tham gia các dự án di dời nhà ven kênh rạch tại TPHCM, nhưng sau đó không triển khai được vì vướng mắc quỹ đất, chính sách tái định cư. “Bên cạnh đóng góp cho xã hội, doanh nghiệp nào cũng mong muốn có lợi nhuận. Vì vậy, lãnh đạo chính quyền TPHCM phải tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư”, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đặt vấn đề.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, kế hoạch cải tạo, chỉnh trang nhà ở trên và ven kênh rạch là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công tác an sinh xã hội của TPHCM. Kế hoạch cần nguồn vốn rất lớn, TPHCM không thể vay thêm theo hình thức ODA, trong khi đó, các nguồn huy động tư nhân theo hình thức PPP cũng gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề vốn, TPHCM cần nghiên cứu giải pháp mở rộng hành lang giải tỏa, tạo quỹ đất thương mại lớn, sau đó đấu giá để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở tái định cư.
“Do điều kiện lịch sử để lại, phần lớn các hộ dân có nhà ở trên và ven kênh, rạch đều có nguồn gốc pháp lý không rõ ràng. Trong khi đó, nhiều hộ có số nhân khẩu đông, cần có chỗ ở để đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần có chính sách hỗ trợ bồi thường riêng cho đối tượng đặc thù này thì mới giải quyết được bài toán tái định cư hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa kiến nghị.