Trụ sở bỏ trống
Vào ngày giữa tuần, khu “liên cơ” Ban dân vận - Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận Thủ Đức (cũ) tại số 36 đường Đoàn Kết, phường Bình Thọ vốn đông đúc nay không một bóng người. Giữa sân, xe tải đang nổ máy, công nhân dọn dẹp cây xanh đưa lên xe. Đây vốn là nơi làm việc của các hội Luật gia, Khuyến học, Nông dân Việt Nam, Người cao tuổi… nhưng nay cửa đóng then cài.
Ông Phan Hoàng Thành, cư ngụ gần khu vực này, ngậm ngùi: “Cả khu đất rộng, cơ ngơi như vậy mà để bỏ trống, không sử dụng thì mau xuống cấp, hoang phí lắm”. Không chỉ cơ sở 36 đường Đoàn Kết, nhiều công sở dôi dư khác trên địa bàn TP Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận cũng trong tình trạng tương tự. Các công sở này phần lớn máy móc, trang thiết bị, bàn ghế… vẫn còn sử dụng tốt.
Sau nhiều lần bố trí, điều chỉnh trụ sở làm việc của Thành ủy, UBND và khối MTTQ, đoàn thể, TP Thủ Đức hiện còn 29 điểm nhà đất là công sở các ban ngành 3 quận cũ không sử dụng.
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, tổng diện tích các công sở dôi dư lên đến 21.520m². Đã gần nửa năm nay, từ khi TP Thủ Đức đi vào hoạt động, kiện toàn lại nhân sự, các trụ sở dôi dư không còn sử dụng, máy móc thiết bị dừng hoạt động, hoang phế dần. Trong khi 29 công trình dôi dư chủ yếu nằm ở trung tâm các quận cũ, mặt tiền đường, có giá trị cao. “Nếu những công sở lâu ngày không sử dụng, thiếu bảo dưỡng sẽ xuống cấp, trang thiết bị điện tử càng nhanh hư hỏng”, một cán bộ lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết.
Bán hay chuyển đổi để phục vụ cộng đồng?
Với 29 công sở nằm vị trí “đất vàng”, việc cần có giải pháp xử lý để sớm sử dụng hiệu quả hoặc bán đấu giá để thu tiền về cho ngân sách là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp nào phù hợp nhất cần tính toán kỹ, phải định giá, xem xét từng vị trí cụ thể.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, TP Thủ Đức đã đề xuất cho phép tổ chức bán đấu giá để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thành phố. Theo dự tính, với 29 công sở dôi dư, tổng diện tích 21.520m², nếu tổ chức bán đấu giá công khai sẽ mang về cho ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng. Trong điều kiện hiện nay, số tiền bán đấu giá là không nhỏ để thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ chế sau khi bán đấu giá, TP Thủ Đức kiến nghị được giữ lại 100% nguồn thu từ bán đấu giá trụ sở do UBND TP Thủ Đức quản lý và 50% nguồn thu từ bán đấu giá trụ sở do UBND TPHCM quản lý. “Nếu được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất, số tiền thu được khoảng 1.000 tỷ đồng”, một lãnh đạo TP Thủ Đức nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất trên, trong cuộc họp hồi đầu tháng 4 với lãnh đạo TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Tài chính rà soát nguồn thu từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dư dôi sau khi sắp xếp để báo cáo, đề xuất UBND TPHCM quyết định tỷ lệ để lại cho TP Thủ Đức đầu tư phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, việc bán đấu giá cần phải xem xét kỹ từng công sở, tính toán tỷ lệ để lại cho TP Thủ Đức phù hợp.
“Cần rà soát các địa chỉ nhà đất dôi dư, xem liệu có nhu cầu sử dụng cho công trình công cộng, phúc lợi xã hội hay không. Công sở nào thực sự cần để lại chuyển đổi phục vụ cộng đồng thì nên để”, một chuyên gia đô thị kiến nghị.
Về mặt pháp lý, luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, căn cứ Nghị định 169/2017 quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trường hợp này thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất do UBND TPHCM quyết định. Vì thế, đề xuất bán đấu giá 29 công sở là trụ sở dôi dư của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức có cơ sở pháp lý để thực hiện. Tuy nhiên, mục tiêu thành lập TP Thủ Đức không chỉ hướng đến một thành phố đầu tàu về kinh tế. Để có thành phố đáng sống thì cần rất nhiều không gian xanh và các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, khu sinh hoạt cộng đồng… Vì thế, chính quyền TP Thủ Đức nên cân nhắc bán đấu giá hay cải tạo, chuyển công năng để sử dụng trên 21.000m² đất công vào phục vụ lợi ích lâu dài, chính đáng của người dân.