Nêu ra con số này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) phân tích, bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, định hướng phát triển của ngành là xây dựng, phát triển ngành điện độc lập, tự chủ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các nước ngoài, đặc biệt là các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng; từng bước loại bỏ một cách mạnh mẽ các nguồn điện không thân thiện với môi trường và thay thế bằng các nguồn điện năng lượng tái tạo. Việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) về việc trung hòa carbon vào năm 2050…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam hầu như không có nguồn dự phòng, do tăng trưởng phụ tải hầu như không có.
"Nhu cầu đầu tư 14 tỷ USD/năm đã tăng hơn nhiều so với mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước. EVN không đủ khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ", lãnh đạo EVN phát biểu.
Để đạt được mục tiêu huy động vốn, các ý kiến tại hội thảo cho rằng cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh (giá điện minh bạch), tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo... Đáng lưu ý, đầu tư vào lĩnh vực này cần có tầm nhìn dài hạn, chứ không thể "lướt sóng".