Có lẽ cũng chẳng nên buồn lâu, nếu đọc thông tin: Bộ trưởng Bộ Lao động Hilde Crevits vừa phát động phong trào “Chung tay giúp ngành y tế”, lập tức VDAB- Trung tâm Môi giới việc làm vùng Flanders nhận được số người cần việc gấp nhiều lần việc cần người (5.140 ứng viên cho 123 đầu việc).
Trang web “Trợ giúp ngành y tế” của tổ chức này được 34.000 lượt ghé thăm, để lại 12.000 lần nhấn nút nhận việc trong khi chỉ có khoảng 2.000 lần nhấn nút cần người. Đến ngành chăm sóc sức khỏe, đang kêu bị quá tải, đang than thiếu nhân lực trầm trọng, cũng không đủ việc cho người thất nghiệp từ bên du lịch, nhà hàng, khách sạn nhảy vào làm tạm thời, dĩ nhiên sau khi đã được đào tạo kiến thức chăm sóc sức khỏe cấp tốc.
Lại nghĩ, nếu mình đang ở Tây Ban Nha, cụ thể là Madrid, lúc này giấc mộng việc làm có khi còn nặng nề hơn. Giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19 như hiện nay, Tây Ban Nha chiếm 1/4 tổng số người mất việc ở châu Âu. Riêng khu vực Madrid ghi nhận từ khi xuất hiện Covid-19 đã tăng hơn 70.000 người mất việc so với năm rồi. Không riêng ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, nạn nhân mất việc vì Covid-19 còn là những nhân viên lau dọn vệ sinh trường học, nhân viên chăm sóc người già tại gia, nhân viên bán hàng... Thế hệ người nghèo mới từ Covid-19 đang hình thành, ngày càng đông đảo, là gánh nặng mới đặt lên vai chính phủ nhiều nước châu Âu.
Nhìn sang Anh, vốn là nơi thu hút lao động nhất châu Âu, thời điểm này cũng khó, và tiên lượng hậu Brexit càng khó nữa. Các công ty phải cắt giảm một nửa nhân viên. Có nhiều lý do để người ta xét giữ ai, bỏ ai và đánh giá theo một bảng điểm khắt khe. Làm lâu năm, nhưng khi nghỉ chỉ được nhận đền bù khoảng một tháng lương nên ai ai cũng buồn.
Thực ra trong thời điểm này, phần lớn các công ty không gắng gượng nổi mới phải thải người. Nước Anh bước vào lần lockdown thứ hai. Các trung tâm việc làm không đóng cửa hoàn toàn nhưng hạn chế tối đa dịch vụ và khuyến khích người dân ở trong nhà nếu có thể. Pháp vốn nổi tiếng là một trong những nước mà người lao động được bảo vệ hàng đầu thế giới, nhưng muốn được công đoàn bảo vệ khi mất việc, muốn nhận trợ cấp thất nghiệp của chính phủ khi mất việc, thì ở Pháp hay ở Anh, đều phải là người đóng thuế và đóng phí công đoàn hàng năm. Đối tượng vào châu Âu làm chui, nhận tiền mặt lúc này đang rất chật vật để tồn tại bởi không được hỗ trợ gì khi nhà hàng, tiệm làm móng phải đóng cửa, trong khi tiền ăn, ở vẫn phải trả hàng ngày.
Theo Anja, giờ thỉnh thoảng cô đến thư viện ở Herenthout xin làm tình nguyện viên, thèm quay lại lớp học quá. Tôi cũng vậy, cố gắng giữ hợp đồng tình nguyện viên cho thư viện một trường cao đẳng. Như vậy, vừa có ích cho cộng đồng, vừa không quên kiến thức đã học. Bởi nào ai biết phải đợi nửa năm, một năm hay thậm chí 2-3 năm nữa thị trường lao động mới sôi động trở lại sau khi có vaccine phòng Covid-19?