Nói mơ ước bởi ai cũng hiểu, phim lịch sử, dã sử, cổ trang tuy là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng là thách thức quá lớn với bất kỳ nhà làm phim nào. Nhìn lại lịch sử mấy mươi năm của điện ảnh Việt, số phim được khen ngợi chỉ đếm trên đầu ngón tay: Đêm hội Long Trì, Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca…
Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, dự án truyền hình rất được mong đợi là Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng đến nay vẫn bị… cất kho. Hay gần nhất, Huyền sử vua Đinh bị chê khá nhiều.
Chấp nhận dấn thân vào thể loại này hiển nhiên các nhà làm phim hiểu những điều này sâu sắc và cần sự chuẩn bị dài hơi, công phu. Đơn cử như dự án Trưng Vương được nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh công bố từ cách đây 3 năm, trải qua nhiều đợt tuyển chọn vai diễn, nghiên cứu tư liệu nhưng cho đến nay vẫn khá im lìm.
Hay như dự án Quỳnh hoa nhất dạ về Thái hậu Dương Vân Nga được đạo diễn Lý Minh Thắng và ê kíp đầu tư kỹ từ khâu phục trang nhưng ngay khi ra mắt đã vấp phải luồng dư luận trái chiều. Và thậm chí, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh còn cho rằng, thời gian để làm Đại chiến Bạch Đằng Giang có thể phải đến chục năm để bảo đảm sự chỉn chu và hấp dẫn khán giả trong nước và quốc tế.
Thời gian qua, nhiều nhà làm phim trẻ đã thể nghiệm làm phim lịch sử thông qua thể loại hoạt hình hay lịch sử diễn họa, bước đầu đã có những thành công nhất định bởi sự mới mẻ, táo bạo nhưng vẫn nghiêm túc, tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên, để thực hiện những dự án dài hơi như phim truyền hình nhiều tập hay phim điện ảnh chiếu rạp, thử thách nhân lên gấp bội.
Tuy nhiên, xét cho cùng, việc khán giả nhất là người trẻ đón nhận nồng nhiệt phim lịch sử dạng hoạt hình, diễn họa cho thấy khán giả Việt vẫn dành tình yêu cho phim Việt nói chung, đặc biệt là phim lịch sử nếu nó được thực hiện chỉn chu, chất lượng.