Đổi đời sau phẫu thuật
Thạc sĩ Võ Duy Phương (27 tuổi) đã sống với gương mặt biến dạng và miệng không thể khép kín suốt 17 năm. Tuổi thơ của Phương gắn liền với những lời trêu chọc của bạn bè: Mặt khỉ dị dạng. Gia cảnh khó khăn, từ Ninh Thuận, Phương vào TPHCM học Thạc sĩ với ước mơ sẽ đổi đời bằng con đường học vấn. Để có tiền trang trải việc học và sinh hoạt, Phương chạy xe ôm. “Vì khi chạy xe, em sẽ đeo khẩu trang, mọi người không nhìn thấy gương mặt khó coi của em”, Phương tâm sự. Cũng bởi gương mặt ấy mà Phương ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, thậm chí cầm tấm bằng thạc sĩ mà Phương không thể xin được việc làm. “Rồi em may mắn được phẫu thuật chỉnh hàm miễn phí, sau đó có được gương mặt mới và việc làm ổn định”, Phương bày tỏ. Theo bác sĩ Tú Dung, vì 2 hàm của Phương cách xa nhau 3,2cm và lệch một bên nên miệng không thể khép lại được, ăn uống rất khó khăn. Sau khi được phẫu thuật cắt xương chỉnh hàm, Phương đã có một dung mạo mới.
Nhắc đến Vũ Đình Thục (28 tuổi, quê Nam Định), bác sĩ Tú Dung không khỏi xúc động. Thục là bệnh nhân đầu tiên được bác sĩ áp dụng phương pháp phẫu thuật hàm móm mà không cần niềng, hoàn toàn miễn phí. “Khi gặp mặt Thục, tôi hiểu vì sao bạn bè lại chê cười em như vậy. Với dị tật bẩm sinh, móm nặng, 2 hàm lệch nhau 2,2cm khiến miệng em không thể khép kín, răng hàm dưới luôn lộ ra ngoài. Chính vì thế mà giọng nói của Thục cũng không rõ ràng”, Bác sĩ Tú Dung nhớ lại. Vì sự khiếm khuyết ấy mà sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, Thục không thể xin được việc làm. Sau phẫu thuật, nhìn thấy gương mặt mới của mình trong gương, Thục hạnh phúc đến rơi nước mắt.
Còn rất nhiều người trước đây mặc cảm với gương mặt dị dạng của mình, ngại tiếp xúc mọi người xung quanh, thậm chí bị trầm cảm, nhưng sau khi được áp dụng phương pháp phẫu thuật mới này đã tự tin hòa nhập cuộc sống, xin được việc làm đúng chuyên môn. Có người sau phẫu thuật đã làm lễ tân cho các tập đoàn lớn.
Cơ hội cho người hô, móm
Nói về nghiên cứu sáng tạo này, bác sĩ Tú Dung cho biết, khi còn học đại học, gặp các bạn hô, móm khiến gương mặt biến dạng, bản thân anh đã nghĩ đến việc làm sao để giúp các bạn ấy có được gương mặt bình thường. “Lúc đó ở Việt Nam chỉ có phương pháp điều trị bằng cách niềng răng nhưng hiệu quả không cao. Để được phẫu thuật chỉnh hình, phải chờ các đoàn bác sĩ từ nước ngoài về. Tôi đã trăn trở và ấp ủ giấc mơ được điều trị cho người hô, móm từ thời còn đi học. Rồi khi tu nghiệp tại Hàn Quốc, tôi may mắn được biết đến kỹ thuật phẫu thuật điều trị móm nên đã quyết tâm theo đuổi đến cùng”, bác sĩ Tú Dung chia sẻ. Hầu hết các trường hợp hô, móm nặng, miệng không khép được là do xương và chỉ có phẫu thuật mới có thể giải quyết được. Ưu điểm của nghiên cứu này chính là sau phẫu thuật bệnh nhân có thể nhìn thấy dung mạo mới của mình ngay.
“Năm 2012, tôi ứng dụng nghiên cứu này để thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên. Khi bệnh nhân ngỡ ngàng nhìn thấy dung mạo mới của mình, tôi hạnh phúc vô cùng”, bác sĩ Tú Dung tâm sự. Chi phí cho mỗi ca phẫu thuật điều trị hàm móm không hề thấp, thế nhưng từ những ngày đầu ứng dụng kỹ thuật mới này, bác sĩ Tú Dung và các cộng sự đã chọn phẫu thuật miễn phí cho những người hô móm nặng, hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên. Bằng các chương trình: Chia nụ cười - Sẻ cảm thông và Nhan sắc mới - Khởi đầu mới, bác sĩ Tú Dung đã phẫu thuật miễn phí cho gần 200 ca. Dự kiến trong năm 2019 sẽ tiếp tục phẫu thuật miễn phí cho 500 ca. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân móm nặng, hoàn cảnh khó khăn không tham gia trong chương trình hỗ trợ miễn phí, cũng được bác sĩ Tú Dung giảm hoặc miễn phí khi đến điều trị tại bệnh viện. Nói về việc làm này, bác sĩ Tú Dung cho biết, bởi bản thân cũng xuất thân từ nghèo khó nên muốn được sẻ chia cùng những hoàn cảnh khó khăn. “Chỉ dùng khối óc và bàn tay cùng một ít thời gian nhưng lại giúp thay đổi cuộc đời một người thì sao lại không làm”, bác sĩ Tú Dung chia sẻ.
Tính đến nay, bác sĩ Tú Dung đã trực tiếp phẫu thuật cho hơn 2.000 ca. “Thời gian tới tôi sẽ chuyển giao phương pháp điều trị này đến bệnh viện các tỉnh thành. Có như vậy cơ hội điều trị cho người hô, móm sẽ được nhân lên”, bác sĩ Tú Dung cho biết. Sau tất cả những việc làm của mình, điều bác sĩ Tú Dung nhận lại chính là tình cảm của bệnh nhân. Đó là món quà do chính tay bệnh nhân làm tặng, đó là tiếng gọi “bố Dung” của những bệnh nhân nay đã có được cuộc đời mới.