Bạn bè văn chương vẫn gọi Quế Hương là “nhà văn của phụ nữ và trẻ em”. Viết cho thiếu nhi trở thành một điểm sáng trong sự nghiệp sáng tác của chị. Nhắc tới chị, là nhớ tới những truyện ngắn cảm động viết cho tuổi nhỏ như: Quán búp bê, Mẹ con thằng Nhọ Nồi hay Một ngày ở biệt thự Bát Nháo. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mang một màu sắc riêng, đa dạng và phong phú như tâm hồn của lứa tuổi hoa.
Hạnh phúc chỉ có trong mơ
Nhân vật điển hình trong các sáng tác dành cho thiếu nhi của nhà văn Quế Hương là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương. Đó là Tí “bụi” nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên. Không có cha, cậu bé sống cùng người mẹ điên trong căn nhà nhỏ như tai nấm, mùa hè thì mát nhưng mùa đông không biết trốn ở đâu để tránh gió.
Ả Ìa âu, một truyện ngắn có cái tên rất lạ khiến người ta day dứt ngay từ những dòng đầu tiên. Hai chị em Mơ và Ngổ sống bên cạnh người cha nát rượu. Trước kia, cha của chúng chỉ biết có nhậu. Từ ngày mẹ mất, cha càng nhậu nhiều hơn. Khi ấy, con bé Mơ mới lên bảy đã phải “vừa làm mẹ, vừa làm chị” của đứa em chưa đầy tuổi.
Chả Chìa, con chó thông minh, tình cảm là nguồn vui duy nhất của hai chị em. Vì sợ cha biến con vật tội nghiệp thành mồi nhậu, nên Mơ thả nó ra chợ, mong con chó sẽ tự tìm được cái ăn. Nhớ cô chủ nhỏ, Chả Chìa quay về. Chuyện bé Mơ lo sợ cũng đã đến, con chó tội nghiệp trở thành mồi nhậu của người cha nát rượu. Nghe câu hỏi ngọng nghịu của đứa em chưa nói sõi, Mơ chỉ biết khóc. Trên thiên đường, chắc mẹ và Chả Chìa đang ở bên nhau.
Bài học sâu sắc qua những câu chuyện nhỏ
Ngoài những truyện ngắn cảm động, chạm tới trái tim người đọc, nhà văn Quế Hương còn sáng tác nhiều tác phẩm nhẹ nhàng, mang tính giáo dục cao. Kẻ thù, Hoán đổi và Trốn tìm là những câu chuyện như thế.
Cậu bé King, nhân vật chính trong Kẻ thù luôn coi mình là tâm điểm của cả nhà. Được nuông chiều từ bé, nên anh chàng sinh tính ích kỷ. Ngày mẹ mới sinh em bé, King “ghét” em lắm. Vì sự xuất hiện của đứa em bé tí, lại hay khóc nhè nên mẹ không thương King nhiều như trước.
Biết King đang ghen tị, mẹ phải từ từ giải thích cho cậu bé hiểu. Vì sợ King buồn, nên em bé đã đòi chui ra khỏi bụng mẹ chơi với anh. Nhìn thấy anh trai, cô em gái bé bỏng nhoẻn miệng cười. Nụ cười ngô nghê nhưng chan chứa tình thương. Từ giây phút ấy, một tình yêu giản dị nảy nở trong lòng người anh trai.
Ông bố, bà mẹ nào cũng muốn con mình học thật giỏi, thi đỗ vào trường điểm để được nở mày, nở mặt trước bạn bè. Điều đó đã trở thành áp lực đè nặng lên vai những đứa trẻ. Trường học dần biến thành nhà tù, tước đoạt hết niềm vui. Cậu bé hoạt bát, đáng yêu ngày nào dần trở thành đứa trẻ lầm lì, chỉ thích giả tiếng chó sủa.
Những chú chó có lẽ sướng hơn người. Chúng chẳng bao giờ bị ép phải đứng đầu lớp, hay phải đi học thêm. Chỉ khi được “cởi trói” khỏi những áp lực của trường chuyên, lớp chọn con trẻ mới được hạnh phúc đúng nghĩa. Đó chính là thông điệp mà nhà văn Quế Hương gửi đến qua truyện ngắn Trốn tìm.
Đọc Đám cưới cỏ, độc giả nhỏ tuổi sẽ bị mê hoặc bởi văn phong nhẹ nhàng, đầy duyên dáng của nữ sĩ xứ mộng mơ. Từng câu chuyện nhẹ nhàng như lời thủ thỉ, tâm tình, gieo vào lòng con trẻ biết bao yêu thương. Để từ đó, những tâm hồn bé dại học cách yêu thương và sẻ chia.