Trên phố Láng Hạ, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, nơi tập trung nhiều đại lý của các hãng ô tô tên tuổi như Toyota, Honda, Mazda…, lượng khách hàng trực tiếp đến cửa hàng không nhiều, các nhân viên bán hàng chủ yếu tư vấn mua bán xe qua điện thoại cho khách.
Anh Lê Minh Chức, cửa hàng Mazda Lê Văn Lương cho biết, lượng xe bán ra trong khoảng 10 ngày trở lại đây gần như không tăng. Lý do là thông tin giảm giá đã có từ đầu năm và giá thực tế đã giảm mạnh từ tháng 4-2017 nhưng phần đông khách hàng vẫn cho rằng mức giảm này chưa thỏa đáng, chỉ những khách hàng thực sự có nhu cầu mới mua.
Một đại lý Toyota trên đường Láng Hạ còn cho biết, không những không tăng mà doanh số bán hàng trong những ngày đầu tháng 7 còn chậm đi so với tháng 6. Tại cửa hàng ô tô Nissan Hà Đông tình hình cũng tương tự như vậy khi hầu hết khách hàng chủ yếu quan tâm hỏi giá chứ chưa chịu “xuống tiền”.
Theo chuyên gia của Hiệp hội Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chính tâm lý chờ đợi giá xe có thể giảm mạnh hơn vào đầu năm 2018 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ bán hàng của tất cả các hãng.
Đại diện VAMA cũng cho rằng, với những ưu đãi về giá từ hãng như áp dụng chương trình tặng lệ phí trước bạ, bảo hiểm thân vỏ 1 năm và ưu đãi từ đại lý giảm giá bán trực tiếp đối với một số dòng xe, nhìn chung giá xe trên thị trường trong nước đã giảm từ vài chục cho đến gần 100 triệu đồng/xe, đã là mức giảm cao nhất từ trước đến nay.
Trong thời gian tới, kể cả sau 2018, giá ô tô khó có thể giảm mạnh bởi thuế nhập khẩu từ khối ASEAN (giảm xuống 0% từ năm 2018) chỉ là một trong nhiều loại thuế tác động lên giá xe. Hơn nữa, giá xe có giảm thì các loại chi phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ có thể sẽ tăng lên khiến số tiền thực tế người tiêu dùng phải bỏ ra để sở hữu ô tô cũng không giảm là bao.