Anh Nguyễn Anh Tùng, ngụ đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM, chạy ô tô dịch vụ cho một DN vận tải (chở chuyên gia cho Khu Công nghiệp công nghệ cao TPHCM), cho biết, mỗi ngày, anh đưa đón chuyên gia hơn 60km. Trung bình mỗi tháng gần 2.000km, tốn khoảng 150 lít xăng. Giá xăng tăng cao như hiện nay đồng nghĩa mỗi tháng anh phải trả thêm 1-1,3 triệu đồng. Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến doanh thu của DN vận tải giảm xuống đáy. Giá xăng lại chiếm 40% trong cấu thành giá cước vận tải. Do đó, xăng tăng giá cao ở thời điểm này đã khiến DN vốn khó khăn lại càng điêu đứng hơn. Chưa kể, lo ngại dịch bệnh, nhiều người vẫn chưa muốn thuê xe đi lại…
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, giá xăng dầu tăng cao cùng với tác động của dịch Covid-19 khiến các DN kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Các DN vẫn chưa tính đến phương án tăng giá cước để giữ chân khách hàng, nhưng nếu thời gian tới, giá xăng dầu không giảm, chắc chắn họ phải tăng giá cước.
Nhiều DN trong các lĩnh vực khác cũng đang lo lắng vì giá xăng, dầu tăng. Ông Nguyễn Ngọc Minh Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Liksin, cho biết, thời gian qua giá nguyên liệu giấy liên tục tăng cao khiến DN gặp khó. Nay giá xăng dầu lại tăng, e rằng giá nguyên liệu giấy sẽ lại tăng thêm. Theo bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, hiện nay trong ngành thực phẩm nói chung, tất cả các loại nguyên liệu đã tăng 20-30%. Trong khi đó, sức mua rất yếu do người dân siết chặt chi tiêu. Ba Huân đang đưa ra nhiều chương trình khuyến mại giảm giá, có sản phẩm lên đến 50% nhưng đầu ra vẫn khó khăn. |