Giá dịch vụ logistics tăng mạnh
Phân tích về giá xăng tăng tác động mạnh đến giá dịch vụ logistics, ông Lê Đăng Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế VIJAI Logistics Vietnam, cho biết, trong hoạt động của DN logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu từ 35-40% giá cước. Do vậy, khi giá xăng dầu được điều chỉnh lập tức tác động đến hoạt động của DN. Ở chiều ngược lại, hợp đồng cung ứng dịch vụ logistics ký kết với đối tác thì giữ giá cả năm nên không thể điều chỉnh ngay được. Thực tế này đã khiến nhiều DN logistics buộc phải đẩy cao giá dịch vụ cung ứng hoặc rơi vào tình trạng thua lỗ.
Khó khăn liên quan đến hoạt động logistics còn nghiêm trọng hơn khi phần lớn DN trong nước đều phụ thuộc vào dịch vụ logistics của nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, hiện giá dịch vụ logistics đã tăng 5.000-10.000 USD/container đi thị trường châu Âu hoặc Hoa Kỳ, gấp 4-10 lần so với năm 2020. Đã vậy, nhiều DN còn bị các hãng tàu thường xuyên hoãn thời gian vận chuyển từ 10-30 ngày mà không có lý do. Hệ quả là DN phải trả thêm chi phí, bồi thường cho đối tác vì giao hàng trễ thời hạn. DN xuất khẩu nông, thủy hải sản lo ngại hơn bởi nguy cơ hư hỏng, giảm chất lượng sản phẩm.
Một nguyên nhân khác được nhiều DN ngành logistics chia sẻ, đó là hệ thống giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy. Đặc biệt, tính đồng bộ kết nối giữa đường bộ với các cảng chính chưa theo kịp sự phát triển, tăng sản lượng hàng hóa của các cảng, dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông trên cung đường kết nối đến cảng.
Không dừng lại dó, các DN còn gặp khó khăn từ thủ tục hành chính chưa thông thoáng. Một số quy định như chưa cho kiểm hóa hộ đối với hàng xuất cũng gây khó cho DN… Thực tế này đã khiến nhiều DN ngành logistics trong nước giảm năng lực cạnh tranh.
Cải thiện kết nối hạ tầng
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, cho rằng, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bổ trợ nội lực cho DN ngành logistics. Trước hết, cần nhanh chóng điều chỉnh giảm chi phí hạ tầng cảng biển cho các loại hình hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, hàng gởi kho ngoại quan, thông thoáng thủ tục hành chính.
Theo các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông. Cùng với đó, thực hiện kết nối đa phương thức, tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để đẩy mạnh hệ sinh thái logistics, kết nối khu vực, giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam trên toàn cầu. Cần có giải pháp định hướng “Người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam”. Chẳng hạn, các DN cần ưu tiên lựa chọn các DN logistics Việt Nam có đủ năng lực thiết kế giải pháp về logistics, tiềm lực về cơ sở hạ tầng, tài chính.
Về lâu dài, cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ hình thành các DN logistics lớn, dẫn dắt thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu logistics ngày càng cao không chỉ của thị trường trong nước mà còn thu hút được sự quan tâm, sử dụng của các doanh nghiệp FDI.