Ghi nhận giá vàng SJC tại TPHCM vào 17 giờ ngày 15-8, Công ty PNJ niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng chiều mua và 550.000 đồng chiều bán.
Cùng thời điểm tại Hà Nội, Công ty SJC báo giá vàng SJC ở mức 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67,12 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng cả 2 chiều mua và bán.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chiều ngày 15-8 (giờ Việt Nam) xuống còn 1.786,4 USD/ounce, giảm 17,5 USD so với giá đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương gần 50,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 16,3 triệu đồng/lượng.
Sau khi giá vàng thế giới đã lấy lại mốc 1.800 USD/ounce vào tuần trước nhờ nhiều thông tin hỗ trợ như: số liệu thống kê của Mỹ cho thấy lạm phát có xu hướng giảm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt giảm gần 0,9% trong 1 tuần khiến giá vàng hồi phục. Tuy nhiên, đến ngày đầu tuần, giá vàng thế giới đã nhanh chóng rời khỏi mốc này do một số quan chức của Cục Dự trữ Liên ban Mỹ (FED) phát đi thông điệp cho rằng, lạm phát dịu bớt chủ yếu do giá năng lượng giảm.
Lạm phát vẫn là mối quan ngại lớn nên FED có khả năng lớn sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa để kiểm soát giá cả leo thang, kiềm chế lạm phát. Hiện giới đầu tư cũng đang ngóng kết quả cuộc họp về chính sách tiền tệ của FED, dự kiến đưa ra ngày 17-8 để có thêm thông tin về việc tăng lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm từ 0,5 đến 0,75 điểm % vào tháng 9 tới. Thông tin này gây nhiều bất lợi cho giá vàng vì việc FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
* Trong khi vàng giảm mạnh thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đi ngược với xu hướng của thị trường thế giới khi tiếp tục tăng mạnh gần 12 điểm. Nguyên nhân khiến thị trường tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu Blue-chips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, ngoài nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như MWG tăng trần, SAB 2,2%, MSN tăng 1,2%... thì các cổ phiếu ngân hàng như BID tăng 4,6%, CTG tăng 2,8%, HDB tăng 3,5%, VPB tăng 1,5%... kéo VN-Index tăng gần 12 điểm. Khối ngoại cũng mua ròng 65 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,87 điểm (0,94%) lên 1.274,2 điểm. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,55 điểm (0,18%) lên 303,97 điểm. Thanh khoản thị trường tăng gần 14% so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.313 tỷ đồng.