Vượt qua những khó khăn đó, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cùng các đơn vị liên quan đã và đang mang lại cho hàng trăm tuyến đường của thành phố một bộ mặt mới khang trang, sạch đẹp hơn góp phần vào sự thành công trong nỗ lực chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị mà thành phố đang thực hiện.
Vì mỹ quan đô thị
Chị Nguyễn Hồng Hải có tiệm bán điện thoại trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM, cho biết: Cách đây gần 10 năm, khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chưa được nâng cấp, mở rộng, hệ thống dây điện và dây thông tin trước cửa hàng của chị rất chằng chịt, có đoạn còn chùng xuống cản trở rất lớn đến việc buôn bán của các cửa hàng mặt tiền trên đoạn đường này. Ngay khi TP mở rộng đường, ngành điện đã kết hợp đưa dây điện, dây thông tin của các đơn vị viễn thông ngầm xuống dưới đường làm cho con đường trở nên thoáng đãng, đẹp hơn, nhờ đó việc buôn bán của chị cũng thuận lợi hơn, không còn phải lo các loại dây rớt xuống đường, gây nguy hiểm cho gia đình cũng như khách hàng.
Theo ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin giai đoạn năm 2016 - 2020 là một chương trình quan trọng của Tổng công ty thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng điện và góp phần bảo đảm mỹ quan, an toàn cho người dân thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế theo khối lượng quản lý: toàn TP đạt tỷ lệ hơn 35%, khu vực các quận nội thành đạt hơn 50%, riêng khu vực quận 1 và quận 3 đạt 100%. Trong quá trình thực hiện, EVNHCMC đã phối hợp với các nhà mạng viễn thông để tổ chức đấu thầu chung gói thầu thi công đào đường, tái lập mặt đường và kéo ống nhằm triển khai giấy phép xây dựng và thi công đồng thời, tránh việc đào đường nhiều lần, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến giao thông và sự đi lại của người dân.
Cần sự đồng thuận
Trong năm 2019, EVN HCMC tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý hệ thống dây thông tin trên địa bàn TP để thực hiện các dự án ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật điện và dây thông tin. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn tất 20 dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa hệ thống dây thông tin. Song song đó, ngành điện TP cũng sẽ phối hợp hạ ngầm lưới điện đồng bộ cùng các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn thành phố. Phấn đấu đến giữa năm 2020 sẽ hoàn tất 100% khối lượng ngầm hóa Thành phố đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020.
Khó khăn lớn nhất hiện tại là phải đạt được sự đồng thuận của người dân. Trong thời gian đầu triển khai, các công trình ngầm hóa lưới điện gặp phải nhiều phản ánh của người dân về vị trí lắp đặt tủ RMU, trạm biến thế, tủ điện… mặc dù ngành điện đã thiết kế lắp đặt lại thiết bị (sau ngầm hóa) tại các vị trí ít ảnh hưởng nhất như bố trí lại ngay tại các vị trí các trụ điện và trạm của lưới điện hiện hữu... Tiếp nhận ý kiến của người dân, tổng công ty sau khi thỏa thuận với chính quyền địa phương đã tổ chức các buổi tham vấn cộng đồng, gặp gỡ trực tiếp các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án để báo cáo chi tiết quá trình triển khai, kết hợp giải thích, trình bày về lợi ích chung của công trình, nhằm đảm bảo an toàn trong cung cấp điện và góp phần tạo mỹ quan thành phố, chỉnh trang đô thị. Các tủ điện được ưu tiên lắp đặt lại tại các vị trí trụ điện, trạm điện của lưới điện nổi trước đó, nhằm không gây phát sinh diện tích, vị trí đặt giữa hai nhà để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến lối đi chung. Bên cạnh đó, sau thời gian tiếp thu ý kiến, ngành điện đã cải tiến làm gọn lại tủ điện hạ thế. Với những giải pháp nêu trên và qua hiệu quả thực tế của các tuyến đường đã ngầm hóa lưới điện, các công trình ngầm hóa lưới điện mới ngày càng nhận được sự ủng hộ đồng thuận của người dân. Theo đó, quá trình triển khai thực hiện được nhanh chóng thuận lợi hơn. Mặt khác, tiến độ thi công các công trình luôn phụ thuộc nhiều vào thời tiết (như mùa mưa công tác thi công phức tạp hơn) và công tác thỏa thuận hướng tuyến, thỏa hiệp với các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng khác tại mặt bằng triển khai dự án còn quá nhiều thủ tục kéo dài, phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.