“Tôi nghĩ vẫn chưa truyền đạt hết ý của anh vì suốt gần 50 năm chung sống, tôi nguyện là cái bóng sau lưng anh, lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, ít khi tham gia vào công việc của anh, với mong muốn để anh an tâm theo đuổi cái nghiệp mà theo anh - Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa... (Nguyễn Du)”, bà Bùi Thị Giang, vợ cố đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc, đã viết như thế trong phần lời thưa cuốn hồi ký Bụi cát chân mây. Bà chính là tác giả cuốn sách đặc biệt này.
Theo diễn viên Hồng Ánh - đồng tác giả, người ghi lại theo lời kể của cố đạo diễn, cô và Võ Sông Hương là những người đầu tiên nảy ra ý định sẽ làm cuốn sách về cuộc đời ông. Và, từ ngày 5-4-2021, chỉ hơn 2 tháng trước ngày ông mất (13-6-2021), trong quãng thời ngắn ngủi, giữa những lần nén cơn đau vì bệnh tật, ông chập chờn kể về cuộc đời mình. Nhưng rồi, vì lý do khách quan, Võ Sông Hương không thể chấp bút. Hồng Ánh đặt trọn niềm tin vào người ở gần, hiểu nhất, nhẫn nại và tôn thờ ông - bà Bùi Thị Giang.
Bụi cát chân mây ghi lại cuộc đời một con người - đạo diễn Lê Cung Bắc - từ thuở mất cha khi mới 10 tháng tuổi cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. 224 trang sách mang tính khơi ngợi, “điểm mặt” những sự kiện lớn trong cuộc đời ông. Nhưng, khi lật mở từng trang sách ấy, lại có những chi tiết nhấn nhá thú vị về giai đoạn nào đó trong cuộc đời ông. Như cách ông kể về những cô tình nhân sẵn sàng theo mình, dù biết ông đã có vợ, rất thật và cũng đầy hài hước.
Người ta biết đến Lê Cung Bắc - người con đất Quảng Trị - là một diễn viên, đạo diễn tài hoa. Nhưng, cuốn sách không đi theo hướng tô hồng, kiểu “tốt khoe xấu che”. Hồi ký Bụi cát chân mây cho người đọc lắng lại để hiểu vì sao có một chân dung Lê Cung Bắc như cách mọi người vẫn biết về ông. Phần chìm của tảng băng về cuộc đời, sự nghiệp và cả thân thế gia phong được lật mở qua từng con chữ. “Thân mình thọ không bằng danh mình thọ. Đó mới là cái còn lại với muôn đời không bao giờ mất”. Đọc xong cuốn sách hẳn ai cũng hiểu hàm ý của câu nói đó. Vậy nên, cuốn sách về một con người nhưng lại giống như một bức tranh xã hội thu nhỏ, một cuốn gia phả thế hệ về lẽ sống, gia phong truyền đời và vẫn được nối tiếp cho đến tận thế hệ con cháu sau này.
Dẫu có 2 người đối thoại, 2 người chấp bút khác nhau, nhưng người đọc vẫn cảm được sự liền lạc trong mạch cảm xúc cho đến tận dòng chữ cuối cùng. Có lẽ cả Hồng Ánh và vợ cố đạo diễn đều gặp nhau ở sự tôn kính ông. Và, dĩ nhiên sự khách quan của cuốn sách còn được bồi đắp bởi những bạn bè, đồng nghiệp viết về ông, mỗi người mang đến một góc nhìn khác nhau.