1. “Cha nội đó sợ cái gì không biết, cữ tối biểu coi thời sự cũng không chịu, toàn nghe tin đồn tầm phào. Đăng ký đi con, mày đăng ký liền cho ổng đi, mai tao bắt ổng đi”… Cô Thanh dứt lời, thằng cháu nội quẹt qua quẹt lại, vậy là xong đăng ký chích ngừa cho cả gia đình và “cha nội” hàng xóm sống một mình.
Từ ngày xã triển khai đường link đăng ký chích ngừa vaccine trên fanpage mạng xã hội, đám nhỏ trong nhà được nhờ hẳn. Cô Thanh (55 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) biểu mấy đứa cháu đăng ký cho từng thành viên trong nhà, đứa nào dưới 18 tuổi thì khỏi. Dòm qua ngó lại, còn chú Ba Thành (53 tuổi) ở nhà sát vách, vẫn im re. “Cha nội này kỳ bây, tao biểu tụi nhỏ cầm tờ báo đứng đọc thiệt lớn cho ổng nghe, rồi chỉ ổng mở tivi coi thời sự mà ổng cũng không tin. Nghe người ta đồn bậy đồn bạ cái sợ chích ngừa”, cô Thanh bực mình.
Theo “chỉ đạo” của cô Thanh, đám cháu trong nhà âm thầm đăng ký cho chú Ba Thành chích ngừa. Có giấy mời từ trên xã gửi xuống, cô Thanh đứng bên rào nói vọng qua: “Người ta gửi giấy mời hẳn hoi, là ưu tiên đó, đi chích đi cha nội ơi, không đi là bị phạt đó”. Hôm sau, trong nhóm người xếp hàng chờ khám sàng lọc, chú Ba Thành có mặt đúng giờ, nghiêm túc, rồi vô chích ngon lành.
Cái xã ngoại thành, dân trí không đồng đều, chuyện hiểu sai lệch vấn đề tiêm chủng không chỉ có chú Ba Thành. Cán bộ địa phương vận động thuyết phục không xuể, hiệu quả nhất vẫn là bà con mình rỉ tai dặn nhau. “Tao xưa giờ con nhà nông, nhưng mà có tụi nhỏ trong nhà, bắt nó đọc báo, đọc tin tức cho nghe để biết đó biết đây, ai chích ngừa được mừng cho người đó, có vậy mới mong hết dịch. Nên tao kêu người này người kia đi chích, có bữa người ta quạu hỏi tao - bộ bà làm trên xã hả, tao kệ, cười trừ”, cô Thanh kể lại.
2. Giá trị từ những đổi thay là tính năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, công việc, trong cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp, nan giải từ thực tế, giúp chúng ta nhìn nhận lại mọi vấn đề tốt hơn. Khi cuộc sống không còn vội vã như trước, chúng ta không còn tất bật với lo toan mà quên đi giá trị gia đình, cộng đồng và người bạn, người thân của mình.
Trong những ngày khó khăn, bà con xa hay láng giềng gần cũng tìm cách kết nối với nhau. Định cư ở tiểu bang New Mexico (Mỹ), cô Kim Vân (46 tuổi) đều đặn gọi về cho chị gái ở quận 8 (TPHCM) để hỏi thăm từng người thân trong nhà đến bà con họ hàng xa. “Nghe nói dịch nặng, nên nó gọi về nhiều hơn. Có ông cậu họ xa, hồi nó đi ổng giận hờn gì đó không có tiễn, nay nghe tin con gái của ổng mắc Covid-19, nó lật đật kêu tui mua gạo, mua sữa gửi qua, rồi nó gửi tiền về cho tui sau”, cô Kim Yến (50 tuổi, chị ruột cô Kim Vân) kể lại.
Thùng nước rửa tay khô, khẩu trang được gửi về cùng những cuộc gọi liên tục từ Sydney (Australia) đều đặn từ chị Nguyễn Thị Hải Thu (28 tuổi) dành cho gia đình đang sống tại quận 7. “Lo cho mọi người ở nhà quá nên tôi gửi khẩu trang, nước rửa tay về, cũng chỉ có ba mẹ và em trai tôi thôi, chắc chắn không dùng hết. Tôi gửi dư rồi dặn mẹ tặng lại cho hàng xóm một ít, để mọi người có cái mà dùng. Tôi xa nhà, nhiều khi ba mẹ ốm đau cũng nhờ hàng xóm đỡ đần phụ với thằng em, bây giờ mình có chút gì thì chia sẻ với nhau chút ấy”, chị Hải Thu tâm sự.
Và những ngày giãn cách, muốn hay không người ta cũng không thể ra ngoài, mà quay về bên trong để lắng nghe những giá trị của gia đình, của hai tiếng xóm làng thân thương. Những ngày làm việc tại nhà trong khu phong tỏa, Nguyễn Đình Hồ (27 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) xúc động: “Hồi nhỏ tui thuộc diện phá làng phá xóm, ba má bị mắng vốn hoài. Lớn lên thì đi làm xa, bây giờ ở nhà tránh dịch rồi khu nhà tui dính phong tỏa, mấy cô chú hàng xóm cầm qua cho chục hột gà so với nải chuối già rồi dặn là cho thằng Đình Hồ, vì hồi nhỏ nó khoái ăn hột gà so luộc với khoái chuối già. Mình đi làm xa nhà, một năm về có mấy lần mà hàng xóm cũng còn nhớ sở thích, tôi cảm động mà đứng khóc ngon ơ luôn”.
3. Từ những siêu thị, gian hàng 0 đồng, túi quà an sinh, bó rau, con cá, vỉ trứng, chiếc khẩu trang được trao gửi đến nhau ở khắp mọi nơi, đến những ATM gạo, ATM việc làm, ATM nhà trọ và gần đây nhất là ATM oxy, “túi thuốc nghĩa tình” được lan rộng trên không gian mạng đã làm ấm lên tình người giữa lúc khó khăn.
Rất nhiều phương thức, cách làm mới được kết nối, lan tỏa từ mạng xã hội, từ chiếc điện thoại thông minh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19, vận động nguồn lực, chia sẻ, giúp đỡ những người khó, người yếu thế trong xã hội. Nhiều khu xóm lao động, khu trọ công nhân, nhiều khu chung cư, khu phố, ấp, tổ dân phố đã kết nối, thường xuyên liên hệ, gắn kết với nhau qua các group trên không gian mạng đã tạo thành một khối liên kết vững bền để cùng cộng đồng trách nhiệm lo toan, giúp đỡ nhau bằng nhiều cách, nhiều việc làm rất kịp thời, hữu ích.
Câu chuyện một người đàn ông 43 tuổi ở Gò Vấp mới đây cho hay mình không thể chiến thắng được Covid-19 nếu không có những người hàng xóm quá đỗi tốt bụng cho thấy những giá trị thật đẹp của cuộc sống.
Từ khi anh H.S.T. mắc Covid-19, những người hàng xóm từ nhà đối diện, căn sát vách đến đầu hẻm đã hỗ trợ anh từng viên thuốc, tô cháo, hộp cơm giúp anh lành bệnh. Câu chuyện đẹp đẽ như vậy, vào mùa dịch này không hề ít. Sự lan tỏa của nét đẹp văn hóa tương thân tương trợ, của tình người thật đáng trân trọng…