Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020)

Giá trị tinh thần của ca khúc Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh

LTS: Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bài hát nhận được nhiều tình cảm của người yêu nhạc cả nước. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT TPHCM, đã có bài viết xung quanh những giá trị to lớn về tinh thần mà Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh mang lại cho đời sống văn học - nghệ thuật.
Chương trình giao lưu nghệ thuật tại khuôn viên Tượng đài Hồ Chí Minh, quận 1, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chương trình giao lưu nghệ thuật tại khuôn viên Tượng đài Hồ Chí Minh, quận 1, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đây là tác phẩm mà nhạc sĩ Xuân Hồng đã đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất, ít nhất là 12 năm, mà theo linh cảm tác giả dự báo cho chính mình là ngày giải phóng Sài Gòn sẽ không còn xa nữa. Ông đã chuẩn bị cho bài “mùa xuân” thứ hai này, sau bài Xuân chiến khu, ra đời năm 1963 và đã thành công vang dội, vượt khỏi sức tưởng tượng của mọi người và của chính tác giả. Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, theo lời nhạc sĩ Xuân Hồng, “là mùa xuân của đất nước, của dân tộc - mùa xuân thắng lợi. Điều ấp ủ này kéo dài mười mấy năm, đến mùa xuân 1975 mới thành hiện thực”.

Khi mỗi người chúng ta hát lên bài hát này một cách say mê, thích thú và cảm thấy như tâm hồn mình đang nhẹ nhàng bay lên thì đó là phút thăng hoa của cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng cái cảm xúc tinh thần lớn nhất của mọi người qua tác phẩm này, là từ cảm xúc và suy tư riêng lẻ của từng người, đã tự động tìm đến sự thống nhất của cái toàn thể cùng có chung nhận thức là ngày giải phóng Sài Gòn. Và trong “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói” ấy, mỗi người chúng ta là một con chữ, một nốt nhạc, không có riêng ai đứng ngoài.

Nhạc sĩ Xuân Hồng là một nhân cách sáng tạo lớn. Ông đã bộc lộ mình qua tác phẩm Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, một sáng tác mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh trung thực xu thế phát triển của dân tộc, của thời đại, của lòng người, của “đại nghĩa thắng hung tàn”, của “đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công”. Những chuỗi hình tượng độc đáo được ông tạo ra, giữa cảm tính và lý tính trong suốt quá trình sáng tạo và trong nhận thức sáng tạo thẩm mỹ của ông, yếu tố chủ đạo và vượt trội chính là yếu tố nhận thức, phản ánh bằng cảm tính. Ông viết: “Bao năm vẫn đợi chờ mà niềm vui như đến bất ngờ. Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ. Ôi ta đang đi, đi giữa rừng hoa, hay ta đi giữa rừng cờ”. Và trước đó, tác giả cũng đã tự hỏi: “Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”. Đây là tất cả những gì gọi là giá trị của cái thật, cái rung cảm sâu thẳm nhất mà tác giả đã bộc lộ một cách mộc mạc, chất phác và giản dị.

Với Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh và hàng loạt bài hát khác đã thể hiện tài năng thật sự của một trong những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. “Là một trong những người giàu năng khiếu âm nhạc đã trở thành nhạc sĩ của quê hương, hát lên nỗi lòng của dân tộc, đem tiếng đàn giọng hát đến với đồng bào và được đồng bào yêu mến, cưu mang, bồi dưỡng, cổ vũ…, nhạc sĩ Xuân Hồng là điển hình của sự “bắt rễ, hút nhựa” từ truyền thống lâu đời của quê hương, điển hình của một chiến sĩ chiến đấu bằng cây súng và cây đàn, trở thành nhạc sĩ ngay giữa chiến trường ác liệt, không phải ai cũng có thể tự hào như vậy”, như lời nhận định của Giáo sư - Viện sĩ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác, những giai điệu và lời ca bài hát Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng như những làn gió lay động lòng người.

Nhạc sĩ TRẦN LONG ẨN
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT TPHCM

Tin cùng chuyên mục