Giá trị thiêng liêng của hòa bình - Bài 3: Kể chuyện hòa bình bằng ngôn ngữ người trẻ

Thế hệ sinh ra trong hòa bình có thể không mang ký ức chiến tranh, nhưng họ có quyền được hiểu rõ lịch sử dân tộc - không chỉ qua sách giáo khoa mà còn qua những câu chuyện chân thực, truyền cảm hứng và phù hợp với thời đại. Muốn bảo vệ lịch sử, không thể chỉ nhắc lại quá khứ bằng lời nói mà còn cần đưa lịch sử bước vào đời sống hiện đại bằng công cụ của chính thời đại ấy: mạng xã hội, phim ảnh, video tương tác..., để lịch sử trở nên hấp dẫn, dễ tiếp cận nhưng vẫn trung thực và có chiều sâu.

Lịch sử cần cách kể mới

Một buổi chiều tháng Tư, hơn 200 sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM hào hứng đến rạp xem bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Không đơn thuần là một buổi xem phim giải trí, đây còn là một hành trình trở về quá khứ, sống lại những tháng năm gian khổ mà hào hùng của cha ông qua những hình ảnh chân thực về địa đạo Củ Chi - “thành phố ngầm” trong lòng đất, nơi hun đúc tinh thần chiến đấu quả cảm và lòng yêu nước sắt son.

Nhiều sinh viên chia sẻ rằng cảm thấy choáng ngợp và xúc động khi chứng kiến cách người dân, chiến sĩ sống, chiến đấu trong lòng đất, đối mặt với bom đạn và kẻ thù bằng ý chí phi thường. Bộ phim đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cái giá của hòa bình - một sự đánh đổi bằng máu, nước mắt và lòng bất khuất.

Y3a.jpg
Các em học sinh quận Tân Bình tham quan Di tích Địa đạo Củ Chi dịp lễ 30-4. Ảnh: THÀNH CHUNG

Em Phạm Thị Hà Vy, sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ: “Xem phim xong, em thực sự xúc động. Khác hẳn với những bài giảng lý thuyết hay mấy trang sách lịch sử, bộ phim cho chúng em thấy rõ hơn cuộc sống chiến đấu gian khổ của quân và dân mình trong lòng đất Củ Chi. Những hình ảnh trong phim rất thật - từng bước chân trong bóng tối, từng hơi thở nén lại trong đường hầm chật hẹp, từng khoảnh khắc cận kề cái chết… để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Em không chỉ nhìn thấy bằng mắt mà còn cảm nhận được bằng trái tim về nỗi đau, sự hy sinh, tinh thần không khuất phục của thế hệ đi trước. Những gì các cô chú, ông bà mình trải qua thực sự vượt xa sức tưởng tượng”.

Hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị lịch sử

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam” tổ chức tại TPHCM ngày 20-4, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đã nhấn mạnh yêu cầu về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, nhất là đối với các thế hệ trẻ, để họ hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân cách đây 50 năm.

Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại những bài học lịch sử hết sức sâu sắc cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới.

Ông Phan Quốc Thiều, giảng viên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích, giới trẻ ngày nay tiếp cận thông tin theo cách khác. Họ không đọc nhiều báo giấy, không quá quen thuộc với những bài diễn văn dài hay các con số thống kê khô cứng. Nhưng họ có cảm xúc, có trí tuệ phản biện, và nhất là có nhu cầu tìm hiểu chân lý nếu được chạm đến đúng cách.

Đó là lý do vì sao việc truyền tải lịch sử theo cách mới - qua phim ảnh, âm nhạc, mạng xã hội, sách tranh, podcast, triển lãm tương tác... - đang dần trở thành xu thế. Những bộ phim như Mùi cỏ cháy; Đào, Phở và Piano, và mới nhất là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc “chạm” đến người trẻ một cách tự nhiên, không gò bó.

Khi người trẻ hiểu rõ lịch sử, họ sẽ có nội lực để phản bác lại các luận điệu sai trái. Một video xuyên tạc về chiến tranh có thể lan truyền rất nhanh, nhưng một lời bình luận sắc sảo từ một bạn trẻ hiểu biết, có trách nhiệm có thể là mũi kim xé toang bong bóng giả dối đó.

Ông Nguyễn Tấn Kiệt, Trưởng Phòng Nghệ thuật, Sở VH-TT TPHCM, nhấn mạnh, thời gian qua, nhân dân cả nước rất quan tâm đến đại lễ 30-4. Tại các bảo tàng ghi nhận khách tham quan có sự tăng mạnh. Đặc biệt đối với một số đoàn, hội cựu chiến binh từ mọi miền đất nước về thăm lại chiến trường xưa, thăm các địa danh gắn liền với các cuộc kháng chiến cũng như chiến thắng 30-4, rồi thăm địa đạo Củ Chi…

Đối với công tác bảo tàng, Sở VH-TT đã chỉ đạo bảo tàng chỉn chu các cảnh quan, các phần trưng bày chuyên đề, có những nội dung mới để đón khách. Theo thống kê từ ngày 15-3 đến ngày 15-4, các bảo tàng thuộc sở đã tiếp số lượng khách tham quan trên 200.000 lượt, dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Công nghệ làm sống lại ký ức

Không còn là ý tưởng xa vời, công nghệ đang thực sự được triển khai để tái hiện lịch sử một cách sinh động tại các bảo tàng. Những ngày gần đây, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1) đón lượng khách tham quan tăng rõ rệt, luôn từ 1.000-2.000 người mỗi ngày.

Đội ngũ nhân viên hướng dẫn tại đây tất bật đón tiếp và phục vụ các đoàn khách, có ngày phải huy động đến 10 người để đảm bảo thật chu đáo. Thành phần tham quan khá đa dạng, từ cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7, cựu chiến binh cho đến học sinh, sinh viên... Trong đó, học sinh, sinh viên chiếm đa số.

Tại khu vực trung tâm, đông đảo bạn trẻ tập trung theo dõi sa bàn điện tử rộng 60m² cùng tivi màn hình lớn mô tả lại những diễn biến chính của Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Khi sa bàn hoạt động, hệ thống đèn nhấp nháy, kết hợp âm thanh giúp tái hiện chân thực địa hình, các hướng tiến công…, qua đó mang đến trải nghiệm sinh động, dễ tiếp cận cho khách trong và ngoài nước.

Lưu Gia Linh, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, chia sẻ: “Được quan sát và lắng nghe thuyết minh trực quan khiến mình như hòa vào dòng chảy lịch sử, dường như cảm nhận được không khí hào hùng của chiến dịch năm xưa. Mình càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Hay tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1), công nghệ hiện đại được ứng dụng khéo léo để mang đến trải nghiệm sống động cho khách tham quan. Với một bảng điện tử lớn, người xem có thể dễ dàng chạm để tìm hiểu thông tin chi tiết về lịch sử hình thành, các trận đánh, địa điểm di tích gắn liền với lực lượng biệt động Sài Gòn…

Anh Trần Thái Hà, nhân viên bảo tàng, cho biết, việc ứng dụng công nghệ giúp truyền tải thông tin một cách chính xác, ngắn gọn, dễ tiếp cận, đặc biệt phù hợp với giới trẻ. Nếu không có điều kiện đến tận nơi, khách vẫn có thể khám phá hầm bí mật từng cất giấu hơn 2 tấn vũ khí tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3) thông qua hình ảnh 3600 sinh động ở bảng này.

“Mọi người có thể hình dung mình đang có mặt ngay tại đó, chạm vào màn hình để đi qua từng ngóc ngách của ngôi nhà - như trải nghiệm một trò chơi thực tế ảo”, anh Hà chia sẻ.

Những ngày này, lượng khách tham quan tại bảo tàng tăng đáng kể. Ngoài trải nghiệm tương tác, khách tham quan còn được xem phim tài liệu dài khoảng 18 phút trình chiếu bằng máy chiếu hiện đại trên tường, tái hiện chân thực hình ảnh và câu chuyện cảm động về lực lượng biệt động Sài Gòn. Nhờ công nghệ, lịch sử trở nên gần gũi, đầy cuốn hút và cảm xúc, tạo nên “cầu nối” giữa người trẻ và ký ức dân tộc.

Khi lịch sử không còn là trang giấy khô khan mà trở thành hành trình khám phá trực quan, người xem không chỉ ghi nhớ mà còn thấu cảm. Đó là cách hữu hiệu nhất để lịch sử sống mãi và không bị bóp méo bởi bất kỳ thế lực nào. Lịch sử không nên chỉ nằm trong kệ sách, mà phải sống trong ký ức cộng đồng. Hòa bình không chỉ là thành quả của cha ông, mà còn là di sản sống - được tiếp nối, gìn giữ và bảo vệ bởi chính thế hệ hôm nay.

Làm thất bại mọi thủ đoạn xuyên tạc lịch sử

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam” tổ chức tại TPHCM ngày 20-4, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đã khẳng định: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là bài học lịch sử thiết thực giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; làm thất bại mọi thủ đoạn xuyên tạc lịch sử, âm mưu kích động, chia rẽ chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Qua đó, tiếp tục cổ vũ động viên, tập hợp mọi lực lượng nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục