Giá trị thiêng liêng của hòa bình - Bài 2: Tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc nguy hiểm

Trong những ngày gần đây, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng hoạt động tuyên truyền xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là quanh dịp 30-4. Một trong những luận điệu sai trái phổ biến là: “Mỹ không xâm lược Việt Nam, chỉ can thiệp giúp miền Nam chống cộng”. Những luận điệu sai trái này có mục đích rất rõ ràng, nhằm phủ nhận tính chính nghĩa của Cách mạng Việt Nam.

Cảnh giác với luận điệu “lật sử”

Một tài khoản mạng xã hội TikTok có tên “Hong Thai Hoang” liên tiếp đưa ra những nội dung kiểu “trả lại sự thật cho lịch sử”, “Mỹ chưa từng xâm lược quốc gia nào”, “Mỹ chỉ can thiệp quân sự vào Việt Nam”… Các clip liên quan đến chủ đề nêu trên thu hút nhiều người dùng mạng xem và bình luận.

X3a.jpg
Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đến thăm và động viên Khối diễu hành MTTQ Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các luận điệu “lật sử”, “xét lại lịch sử” này rất nguy hiểm, bởi nó đánh tráo khái niệm để làm mờ ranh giới đúng - sai, là chiêu trò làm loãng trách nhiệm xâm lược, khiến người nghe dễ bị tác động nếu thiếu kiến thức và nền tảng lịch sử. Một khi người trẻ nghe nhiều mấy cụm từ “can thiệp”, “bảo vệ tự do”… thì sẽ nghĩ cuộc chiến là “hợp lý”, từ đó quay sang nghi ngờ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong thời đại số hiện nay, khi mạng xã hội như TikTok, YouTube trở thành nền tảng lan tỏa thông tin, các luận điệu xuyên tạc lịch sử không còn xuất hiện trong hình thức cũ kỹ, sáo rỗng, mà khoác lên mình vỏ bọc “trẻ trung, đời thường, có vẻ hiểu biết”. Can thiệp quân sự chỉ là cái áo khoác lịch sự và ngụy biện cho hành vi xâm lược. Một trong những luận điệu nguy hiểm nhất là sự ngụy biện cho hành vi xâm lược của Mỹ bằng cụm từ “can thiệp quân sự”.

Họ cố tình tô vẽ thành một thứ “nghĩa vụ quốc tế”, nhưng sự thật là một hành động xâm phạm chủ quyền. Cần nhấn mạnh rằng, Mỹ không có lãnh thổ bị đe dọa tại Việt Nam, không có dân bị uy hiếp ở đây. Vậy lý do nào để “can thiệp”? Việt Nam không mời Mỹ, không có hiệp ước đồng minh với Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn can thiệp, viện trợ vũ khí, huấn luyện quân sự, tổ chức chính phủ bù nhìn và cuối cùng là trực tiếp đưa hàng trăm ngàn quân sang Việt Nam, gieo rắc bom đạn, hủy diệt mạng sống của hàng triệu người dân vô tội. Bằng chứng là hàng ngàn làng quê tan hoang, hàng triệu gia đình mất mát và một đất nước bị biến thành bãi thử nghiệm vũ khí. Đó là một hành vi xâm lược trắng trợn, không cần bàn cãi.

Theo ông Phan Quốc Thiều, Giảng viên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (ĐH Quốc gia TPHCM) xuyên tạc ngày 30-4 là một phần trong cuộc chiến tư tưởng và thông tin đầy tinh vi, nguy hiểm. Các thế lực thù địch và một số cá nhân cơ hội đã cố tình bóp méo ý nghĩa thiêng liêng của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước ấy bằng những luận điệu ngụy biện như “Mỹ chỉ can thiệp chứ không xâm lược” hay “thắng rồi mà vẫn nghèo thì thắng để làm gì”. Những phát ngôn đó không chỉ sai lệch về mặt lịch sử mà còn nhằm mục tiêu làm lung lay niềm tin của thế hệ trẻ, từng bước phủ nhận thành quả cách mạng. Cuộc chiến không tiếng súng ngày nay chính là cuộc chiến về nhận thức, mà nếu chúng ta lơ là, hậu quả sẽ là sự rệu rã từ bên trong. Bảo vệ sự thật lịch sử chính là giữ vững nền móng tinh thần của dân tộc.

Lịch sử sống trong lòng dân

May thay, khi nhìn vào những bình luận trong các clip của chủ tài khoản “Hong Thai Hoang” thì đa số là những ý kiến phản đối mạnh mẽ quan điểm này. Nhiều người làm clip phản bác bằng những chứng cứ lịch sử rõ ràng, đã được thế giới công nhận. Ngoài ra, nhiều clip trên TikTok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác đăng tải những hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rất hào hùng, thu hút sự tương tác của rất nhiều người.

Bị “ghen tị” nhất trên mạng xã hội những ngày qua là những bạn trẻ may mắn được chọn tham gia diễu hành lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một ngày tháng Tư, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quốc Độ, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (quận 1, TPHCM), khi ông đang kể với du khách những câu chuyện về lực lượng đặc biệt đã làm nên những trận đánh lịch sử.

Đã thành lập được 42 năm, nhiều năm qua, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định luôn quan tâm công tác giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động nghĩa tình, chăm lo đời sống hội viên và làm tốt công tác an sinh xã hội. Để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử và truyền thống cách mạng, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

“Năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để tri ân sự hy sinh của bao thế hệ chiến sĩ, đồng bào. Với lực lượng Câu lạc bộ Khối vũ trang biệt động Sài Gòn, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi những nỗ lực bền bỉ suốt thời gian qua cuối cùng cũng mang lại kết quả tốt đẹp”, ông Nguyễn Quốc Độ xúc động nói.

Là thanh niên tham gia khối diễu hành, bạn Võ Nguyễn Hoàng Đa, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM, bộc bạch: “Chúng tôi là thế hệ thanh niên của thời đại mới - những người trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Việc được góp mặt trong khối diễu hành là niềm vinh dự, tự hào chung của tất cả các bạn thanh thiếu nhi đang có mặt tại đây. Không chỉ là những bước đi đều tăm tắp, mà trong từng bước chân ấy còn là sự ghi nhớ sâu sắc và lòng biết ơn chân thành gửi đến các thế hệ tiền nhân đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Tôi tin rằng, trong lễ diễu hành chính thức, tất cả chúng tôi sẽ không chỉ diễu hành bằng đôi chân, mà còn bằng cả trái tim rực cháy nhiệt huyết và niềm tự hào dân tộc”.

Không chỉ có các thanh thiếu nhi đầy hào hứng, nhiều bậc phụ huynh cũng âm thầm đứng sau, đồng hành cùng con cháu bằng tình yêu thương và niềm tự hào thầm lặng. Đứng nép bên rìa sân, chị Lê Thị Thúy (sinh năm 1984, ở quận 8, TPHCM) lặng lẽ dõi mắt theo từng bước chân của con trai - bé Du Phan Lê Hưng (sinh năm 2014) - đang nghiêm túc tập luyện trong hàng ngũ diễu hành của khối thiếu nhi, thanh niên. Trong tay chị, chiếc điện thoại liên tục ghi lại những khoảnh khắc đẹp, như muốn gom hết niềm tự hào của người mẹ vào từng khung hình giản dị ấy.

Buổi chiều, khi công việc ở tiệm hoa vừa khép lại, chị lại tất bật lo cơm nước, chuẩn bị rồi cùng con đến địa điểm tập luyện đúng 18 giờ. Giọng chị nhẹ nhàng với ánh mắt đầy tự hào: “Tôi thấy hạnh phúc và vinh dự lắm khi con được tham gia tập luyện diễu hành cho ngày đại lễ 30-4. Cả gia đình đều tạo điều kiện, luôn ủng hộ con hết lòng. May mắn có ông bà ở nhà hỗ trợ, nên tôi sắp xếp mọi việc ổn thỏa để đi cùng con”.

Những buổi tập chủ yếu rơi vào cuối tuần, không ảnh hưởng đến việc học, nên chị Thúy càng yên tâm. “Đến ngày lễ chính thức, cả nhà sẽ cùng đi xem con và mọi người diễu binh, diễu hành. Chắc chắn sẽ là một ký ức không thể nào quên”, chị Thúy xúc động nói.

Không ai bị ép buộc, không ai bị “hô hào” - ai cũng muốn có cơ hội đóng góp cho ngày đại lễ với lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Sự hưởng ứng đó đã trở thành bằng chứng sống động phản bác lại mọi luận điệu xuyên tạc. Lịch sử là của nhân dân và chính nhân dân là tấm khiên mạnh nhất chống lại những luận điệu cố tình xuyên tạc, phủ nhận giá trị của ngày 30-4.

Ngày đại đoàn kết dân tộc

- Ông MOHAMED ZAKIR HUSAIN, đồng bào dân tộc Chăm, thành viên khối diễu hành:

Vào mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, chúng tôi lại cùng nhau tập luyện. Trong những buổi tập ấy, tôi thực sự xúc động khi thấy các chiến sĩ bộ đội luôn tận tình hướng dẫn từng động tác: từ bước đi sao cho đều hàng, giơ cờ cho đồng bộ đến cách vẫy tay thật nhịp nhàng. Tất cả đều nhằm tạo nên một khối thống nhất, như biểu tượng sống động của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Dù quá trình tập luyện khá vất vả, ai nấy đều mệt, nhưng trong lòng mỗi người vẫn tràn đầy quyết tâm. Mọi người đều cố gắng hết sức để màn trình diễn của mình thật đẹp, thật ý nghĩa - như một kỷ niệm khó quên, ghi dấu ấn sâu sắc trong dịp lễ 30-4 đầy thiêng liêng này.

- Sơ NGUYỄN THỊ NHẤT, nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm:

Tôi cảm thấy vui và tự hào khi được tham gia cuộc diễu hành này; xúc động khi các thầy, các ni rất hăng hái đi tập luyện, tập không đều thì được các cô chú tận tình hướng dẫn. Tôi cảm thấy vui, hạnh phúc khi đất nước an bình, hạnh phúc, các khối dân tộc đoàn kết với nhau.

Tin cùng chuyên mục