Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên và lãnh đạo huyện, các xã, thị trấn cùng đoàn dâng hương, dâng hoa và tham quan các di tích lịch sử cấp thành phố, cấp quốc gia trên địa bàn huyện. Tại đây, các đại biểu cùng ôn lại những năm tháng hào hùng, bất khuất của lịch sử dân tộc từng in dấu trên quê hương 18 thôn Vườn Trầu.
Di tích Dinh Quận là nơi ghi dấu khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu năm 1885 do Phan Công Hớn lãnh đạo, và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23-11-1940). Công trình do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1861. Sau cuộc khởi nghĩa này, Pháp cho sửa chữa lại dinh quận trên cơ sở cấu trúc cũ.
Sau ngày 30-4-1975, ngôi nhà này trở thành trụ sở Ủy ban quân quản, sau đó là UBND huyện Hóc Môn và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.
Đoàn cũng dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940, hội nghị vạch ra đường hướng Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngôi nhà này được Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồi hiến cho nhà nước năm 1990.
Hàng năm, vào ngày 23-11, UBND xã Tân Xuân tổ chức lễ giỗ những chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh, bị giết hại trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lớp cao cấp lý luận chính trị C60 đã hỗ trợ trung tu di tích này số tiền 60 triệu đồng.
Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng – nơi từng là trường bắn thứ ba mà thực dân Pháp dựng lên để sát hại những người cộng sản yêu nước như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu và các đồng bào, chiến sĩ..., nay được tôn tạo, rộng 73.000m2, với khuôn viên xanh, có hơn 800 cây cau, 5.000 nọc trầu, tái hiện 18 thôn Vườn Trầu năm xưa, giàn bầu, hồ sen khoe sắc...
Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng mỗi năm đón hơn 60.000 khách tham quan. Với ý nghĩa lịch sử và cách phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp, nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc cho các hoạt động truyền thống, về nguồn, kết nạp Đảng viên mới, hội trại truyền thống...