Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Đông Xuân 1953-1954; sự hình thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ- nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; khả năng ứng phó của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ trước đòn tiến công chiến lược của ta...
Các tham luận cũng phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng; bảo đảm vũ khí trang bị, hậu cần cho một chiến dịch dài ngày, tác chiến ở xa hậu phương và sự tham gia đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân vì một Điện Biên Phủ toàn thắng; làm rõ vị trí, vai trò, sự phối hợp của các chiến trường trong cả nước với Điện Biên Phủ, của các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung; đặc biệt là vai trò, đóng góp của hậu phương, căn cứ địa cách mạng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…
Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 25-4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTT-DL tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Phú Thọ tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và cắt băng khai mạc. Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia bảo đảm công tác hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.