Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 48 trong bảng đánh giá các thương hiệu quốc gia trên thế giới với trị giá 141 tỷ USD. Thế nhưng đến nay, việc xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp lại không được doanh nghiệp Việt Nam đưa vô bản cân đối kế toán, có nghĩa doanh nghiệp Việt đang làm thất thoát một khối tài sản “khủng”!
Doanh nghiệp Cholimex tiếp thị sản phẩm thương hiệu tại thị trường Mỹ
47% giá trị là tài sản vô hình
Tính trung bình tại các doanh nghiệp trên thế giới, có đến 47% giá trị của các doanh nghiệp là tài sản vô hình, trong từng trường hợp cá biệt sẽ có khối tài sản vô hình lớn hơn tài sản vật chất. Điển hình như đã từng có một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo của Việt Nam đã bán được doanh nghiệp với giá cao gấp trăm lần giá trị tài sản vật chất, đó là nhờ giá trị thương hiệu. Trong khi hiện nay, giá trị thương hiệu của nhiều doanh nghiệp lại không được tính, không được đưa vô bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp hầu như chưa quan tâm đến sự biến động của tài sản vô hình. Ngay cả trong các hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chưa được quy định rõ ràng, nhiều nơi vẫn làm thất thoát trong tính toán giá trị doanh nghiệp.
Ngay cả những trường hợp, dù doanh nghiệp nhà nước có ghi nhận thương hiệu vào các báo cáo tài chính thì khi tiến hành cổ phần hóa, có thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp, nhưng kết quả xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp vẫn không đúng và đầy đủ. Nguyên nhân, Việt Nam chưa có sự thống nhất về phương pháp định giá thương hiệu, các quy định chưa rõ ràng.
Trong khi đó, nói như một chuyên gia nước ngoài, kể cả trong giai đoạn doanh nghiệp thua lỗ và tài sản của công ty bị khấu hao âm thì giá trị thương hiệu vẫn luôn là con số dương, không bị khấu hao. Thậm chí, ngay cả khi doanh nghiệp đã “chết”, thương hiệu vẫn còn. Người nào muốn xài lại thương hiệu đó vẫn phải trả tiền. Do vậy, vì không xác định giá trị thương hiệu rõ ràng nên các hoạt động mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng, IPO, phát hành cổ phiếu… của các doanh nghiệp của Việt Nam đã bị mất đi lượng tài chính không nhỏ.
Năm 2016, Công ty Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cũng đã tính toán xác định giá trị một số thương hiệu Việt như thương hiệu của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,6 tỷ USD, Vinaphone hơn 1 tỷ USD, Mobifone hơn 390 triệu USD, VietinBank gần 250 triệu USD… Điều đó cho thấy, trước tình hình giá trị thương hiệu là loại tài sản lớn thì khi không tính toán được lại là một thất thoát lớn đối với doanh nghiệp Việt.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thế giới làm rất tốt việc định giá, nhượng quyền sử dụng thương hiệu. Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam mở cửa hàng mang tên thương hiệu quốc tế đã phải trả tiền với mức chi phí cao.
Cần quy định cụ thể
Vì không xác định giá trị thương hiệu là một loại tài sản nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chú ý đến việc xây dựng thương hiệu. Kết quả không ít doanh nghiệp đã sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao, nhưng khi xuất khẩu phải núp dưới tên của các thương hiệu thế giới, hoặc gia công cho các thương hiệu thế giới. Do vậy, việc xác định giá trị thương hiệu cần có quy chuẩn rõ ràng để làm động lực cho doanh nghiệp có ý thức xây dựng thương hiệu và trước hết là không làm thất thoát tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập.
Dù hiện nay Nhà nước đã có quy định tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về định giá tài sản vô hình nhưng lại không có công thức cụ thể về định giá thương hiệu, dẫn đến khó thực hiện hoặc không thực hiện đúng. Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và hội nhập mạnh mẽ nên các thương vụ mua bán, sáp nhập, phát hành cổ phiếu diễn ra ngày càng nhiều. Nếu doanh nghiệp không quan tâm tới việc định giá thương hiệu để tính giá trị này vào giá trị doanh nghiệp thì rất có thể tài sản sẽ bị bán rẻ.
Một số chuyên gia đề nghị, để xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa, cần phải tính toán giá trị thương hiệu dựa trên những giá trị có thể cân - đo - đong - đếm được, rồi công ty tư vấn xây dựng tính toán một số tiêu chuẩn định giá tài sản vô hình như bí quyết công nghệ, phần mềm độc quyền, kỹ thuật kinh doanh… Hoặc sau khi xác định tài sản hữu hình đã được ghi nhận trên báo cáo tài chính, doanh nghiệp nên cộng thêm khoảng 20% - 25% giá trị vô hình vào giá trị tài sản, để tính giá trị doanh nghiệp.
Chi phí đầu tư cho xây dựng thương hiệu, gọi là thương hiệu tiềm năng cũng cần được xác định rõ ràng. Trong dự thảo Nghị định 59 sửa đổi quy định rõ, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng, bảo vệ nhãn hiệu và tên thương mại trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp trong 5 năm, bao gồm cả chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty...
Ngay cả tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong tương lai cũng được tính trên cơ sở khả năng sinh lời của lợi nhuận so với lãi suất trái phiếu chính phủ cũng sẽ được tính vào giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, để tránh thất thoát, một số chuyên gia cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hướng dẫn doanh nghiệp thoái vốn bằng thương hiệu giống như quy định thoái vốn bằng giá trị tiền, tài sản, hiện vật.