Theo bà Sasha Koo-Oshima, một phần lớn dân số thế giới vẫn chưa thể tiếp cận với các thiết bị rửa tay tại nhà, trong khi đây là một trong những phương pháp hàng đầu để phòng chống virus SARS-CoV-2. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), từng cảnh báo hơn 1,42 tỷ người trên thế giới, trong đó 450 triệu trẻ em, đang phải sống tại các khu vực dễ bị tổn thương ở mức cao hoặc nghiêm trọng về nguồn nước. Thống kê của UNICEF cũng cho thấy, cứ 5 trẻ em trên thế giới thì có 1 em không có đủ nước sạch dùng hàng ngày. Khu vực miền Nam châu Phi và Đông Phi có hơn một nửa (58%) trẻ em gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầy đủ nước sạch hàng ngày. Tiếp sau đó là khu vực Tây và Trung Phi (31%), Nam Á (25%) và Trung Đông (23%).
Báo cáo của UNICEF cũng chỉ ra 37 quốc gia bị coi là “điểm nóng” trên toàn cầu vì điều kiện sống khắc nghiệt dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch, do khí hậu biến đổi, thiên tai, bùng nổ dân số, sự nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng này là do sự lãng phí và khai thác nguồn nước quá mức của con người.
Tại cuộc họp cấp cao nhằm thúc đẩy triển khai các mục tiêu về nước sạch trong Chương trình nghị sự 2030 diễn ra gần đây, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Amina Mohammed cho rằng, thế giới chưa tiến đến lộ trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững 6 (nước sạch và vệ sinh) đến năm 2030 và để đạt được việc mục tiêu này trên toàn cầu, các nước phải tăng tốc gấp 4 lần.