Cùng với đó là tình trạng hỗn loạn giá thuốc, khi cùng một loại thuốc của một hãng sản xuất mà mỗi địa phương một giá, thậm chí giữa các bệnh viện ở cùng một địa phương cũng có giá thuốc khác nhau.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lâu nay việc đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và từng bệnh viện, dẫn tới giá thuốc trúng thầu khác nhau, cùng với đó là nhiều mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao. Để giải quyết thực trạng trên, năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Y tế đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic). Qua đó đã giúp giá thuốc giảm mạnh khoảng 17% so với giá kế hoạch, tiết kiệm được 477 tỷ đồng so với phương pháp đấu thầu cũ.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít lo lắng, băn khoăn xung quanh việc đấu thầu thuốc tập trung. Theo ý kiến của nhiều địa phương, việc thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở các tỉnh, thành đang gặp nhiều khó khăn, vì Thông tư số 11/2016 của Bộ Y tế về “Đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập” lại không quy định các tỉnh, thành phố được thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung. Do vậy, các tỉnh phải giao cho một bệnh viện của địa phương tổ chức đấu thầu tập trung.
Tuy nhiên, do bệnh viện không phải là đơn vị chuyên nghiệp tổ chức đấu thầu tập trung, nên việc giải quyết các tình huống sau đấu thầu rất vướng mắc, đặc biệt là trong giải quyết mối quan hệ với các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số bệnh viện trung ương tham gia đấu thầu tập trung nhưng khi thực hiện hợp đồng đã trúng thầu thì có một số mặt hàng lại nhập ít hơn dự trù nhiều lần, gây khó khăn cho các nhà thầu. Ngoài ra, trong danh mục đấu thầu tập trung có một số hoạt chất, thuốc ít được sử dụng hoặc sử dụng với số lượng nhỏ, nên nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng.
Hiện nay, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, chính sách về khám chữa bệnh cũng liên tục có thay đổi, gần đây nhất là chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế ở tuyến huyện, nên nhu cầu về các loại thuốc cũng có nhiều thay đổi và biến động không ngừng, dẫn tới việc đơn vị trúng thầu không có khả năng cung ứng liên tục, nên thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu. Trong khi đó, Thông tư số 11/2016 lại quy định việc thuốc đấu thầu đều phải trình UBND tỉnh, thành phê duyệt, phải mất nhiều thời gian nên khó đáp ứng được nguồn thuốc kịp thời, dẫn tới tình trạng thiếu một số loại thuốc phục vụ điều trị, gây ảnh hưởng tới người bệnh.
Thực tế đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục những bất cập trên, tạo điều kiện cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt hiệu quả cao hơn.