Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 điều của 14 chương của Luật Dược năm 2016.
Dự thảo luật bổ sung “điều kiện lưu hành oxy y tế” vào phạm vi điều chỉnh và sửa đổi; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, thu hồi thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.
Cùng với sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; phân cấp thẩm quyền thu hồi thuốc cho Sở Y tế trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức độ 2 hoặc ở mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn.
Bên cạnh đó, dự luật đã bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thông tin, quảng cáo thuốc. Cụ thể, bỏ nội dung quy định hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác nhận nội dung thông tin thuốc và yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo thuốc; bổ sung đối tượng được thông tin thuốc là người hành nghề dược; sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết cách ghi, trình bày, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo thuốc; các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân.
Ủy ban cho rằng, những nội dung mang tính chiến lược, chưa rõ, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa. Nhiều chính sách chưa được đánh giá tác động, trong đó có chính sách về phân cấp việc thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2 hoặc 3 cho các Sở Y tế; bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc; mở rộng thêm quyền của cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài; bổ sung quy định về oxy y tế; bổ sung trường hợp không phải đăng ký lưu hành là thuốc sản xuất, pha chế tại cơ sở sản xuất để sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh cụ thể, căn cứ thuyết phục việc điều chỉnh, bổ sung chính sách và bổ sung báo cáo đánh giá tác động về những thay đổi về chính sách nói trên để Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với vấn đề chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.
Do đó, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với những chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này, tuy nhiên, do thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”.
Các sản phẩm dược cần được quản lý chặt chẽ; cần có chính sách hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm cho các doanh nghiệp dược trong nước. Cần khai thác thế mạnh hiện có và tiềm năng của ngành dược bằng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ mang tính đột phá, khả thi về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa tự chủ được như sản xuất thuốc mới, các sản phẩm điều trị tiên tiến, thuốc sinh học có giá trị cao.
Về quản lý giá thuốc, Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước.
Giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.